Tập trung giải ngân vốn, xử lý hụt thu ngân sách

04:10, 02/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 30.9 là thời điểm  chốt lại tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nhưng hiện nay, tỷ lệ này đạt thấp, nguy cơ bị cắt vốn rất cao. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để mất vốn, dẫn đến mất đi cơ hội đầu tư xây dựng hạ tầng.
 
UBND tỉnh cũng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện những giải pháp điều hành mới trong xử lý hụt thu ngân sách, đảm bảo cân đối thu- chi trên địa bàn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
 
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
 
Hiện nay, tỷ lệ giải ngân của Quảng Ngãi thấp hơn bình quân chung của cả nước khoảng 13%. Cụ thể, ở thời điểm giữa tháng 9.2020, toàn tỉnh mới giải ngân 2.140/5.876 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công của năm 2020, tương đương 36,4% kế hoạch vốn tỉnh giao, bằng 44% kế hoạch vốn trung ương giao. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước ở mức 50%. Điều đáng nói là, nguồn vốn ngân sách địa phương (vốn cân đối ngân sách tỉnh) chỉ đạt 32%; vốn ngân sách trung ương đạt 42%. 
 
Năm 2020, dự báo hụt thu ngân sách từ nguồn thu thuế liên quan đến đất của tỉnh khoảng 1.100 tỷ đồng.             Ảnh: H.HOA
Năm 2020, dự báo hụt thu ngân sách từ nguồn thu thuế liên quan đến đất của tỉnh khoảng 1.100 tỷ đồng. Ảnh: H.HOA
 
Theo phản ánh của các chủ đầu tư, việc chậm trễ giải ngân là do sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa kịp thời, thiếu tích cực. Một số dự án được phân bổ vốn từ quỹ đất song thực tế không có vốn để giải ngân. Năm 2020, tổng vốn ngân sách tỉnh đầu tư là 4.036 tỷ đồng; trong đó có 2.000 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới thu được khoảng 500 tỷ đồng. Xác định nguồn tiền sử dụng đất có khả năng thất thu cao, nên vào tháng 7.2020, tỉnh đã điều chuyển hàng loạt dự án ưu tiên đầu tư được bố trí vốn từ tiền sử dụng đất sang nguồn xây dựng cơ bản tập trung. Mục đích là không để công trình thực hiện đúng tiến độ, cần vốn mà không có vốn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.
 
Chỉ đạo xử lý những yếu kém trong công tác giải ngân năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đồng ý cắt giảm nguồn vốn quỹ đất từ 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các dự án mới được bố trí từ nguồn quỹ đất phải tạm dừng vì không thu được, để tránh xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Một số dự án bố trí vốn nhưng chưa có quyết định chủ trương đầu tư thì nhanh chóng điều tiết vốn lại cho các dự án khác (dự án Bệnh viện Quân Dân y kết hợp Lý Sơn, Trường THPT Lý Sơn...); điều chuyển nguồn vốn nội bộ từ dự án không có tiến độ, không giải ngân được sang dự án có khối lượng, cần vốn như: Dự án cầu An Phú (TP.Quảng Ngãi), Đường N9 - trung tâm huyện Sơn Tịnh...
 
Một số địa phương có tiến độ giải ngân thấp như TP.Quảng Ngãi (21%), huyện Lý Sơn (32%), TX.Đức Phổ (37%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Các công trình NN&PTNT, Sở TN&MT... đã báo cáo cụ thể về những nguyên nhân để xảy ra chậm trễ trong giải ngân là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, phối hợp chưa kịp thời khi thực hiện thủ tục liên quan. Căn cứ vào thực lực, các địa phương, đơn vị này tiếp tục cam kết chỉ có thể giải ngân đạt 50% vốn được giao.
Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, hiện tại, do nhiều công trình, dự án tiến độ chậm, chưa có khối lượng để thanh toán nợ tạm ứng, ứng trước. 
 
Hiện toàn tỉnh phát sinh 330 tỷ đồng nợ tạm ứng (tạm ứng xây lắp và tạm ứng bồi thường giải phóng mặt bằng). Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị nào tạm ứng phải khẩn trương lên khối lượng thanh toán tạm ứng đúng quy định, tuyệt đối không để nợ tạm ứng dây dưa. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng lưu ý, đối với vốn chuyển tiếp 727 tỷ đồng, đến ngày 15.9 mới giải ngân đạt hơn 298 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch, cần phải quyết tâm cao, vì đây là nguồn không thể xử lý điều tiết sau ngày 31.12.2020. Để đảm bảo nguồn vốn tỉnh giải ngân hết, sau ngày 30.9, tỉnh sẽ điều chuyển nội bộ ngành; đến 15.10 sẽ tiếp tục lên danh sách điều chuyển vốn ngoài ngành trong phạm vi tỉnh để tháng 11.2020 trình HĐND tỉnh quyết định.
 
Xử lý hụt thu
 
Năm 2020, dự toán trung ương giao thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 6.602 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hưởng 792,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương hưởng 5.809,8 tỷ đồng. Dự toán này được xây dựng dựa trên giá dầu nằm ở mức 60USD/thùng. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình kinh tế - xã hội; giá dầu thô thế giới luôn biến động và giảm sâu ở mức bình quân 45USD/thùng, làm giảm thu lớn từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dịch Covid-19 cũng tác động đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến nguồn thu từ đất (dự báo hụt thu khoảng 1.100 tỷ đồng so với dự toán). 
Huyện Minh Long đang tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công, giải ngân vốn công trình kè sông Phước Giang.                            Ảnh: T.NHỊ
Huyện Minh Long đang tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công, giải ngân vốn công trình kè sông Phước Giang. Ảnh: T.NHỊ
Mặt khác, vì nhiều nguyên nhân, nguồn thu thuế từ các nhà máy bia trên địa bàn tỉnh cũng giảm. Quảng Ngãi hiện có 2 nhà máy bia lớn, năm 2020, dự toán trung ương giao thu ngân sách nhà nước đối với sản lượng bia trên địa bàn tỉnh là 190 triệu lít, với số thu 1.778 tỷ đồng (Công ty CP Đường Quảng Ngãi 55 triệu lít bia Dung Quất, nộp 520 tỷ đồng; Công ty CP Bia Sài Gòn Quảng Ngãi 135 triệu lít, nộp 1.258 tỷ đồng). Nếu sản lượng bia giảm từ 30 - 40% so với chỉ tiêu giao thì số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 550 - 700 tỷ đồng. Với tình hình trên, khả năng hụt thu ngân sách nhà nước so với dự toán trung ương và HĐND tỉnh giao là rất lớn.
 
Theo tính toán, ước thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm 2020 là 14.472 tỷ đồng, đạt hơn 87% dự toán trung ương giao, bằng 78% dự toán HĐND tỉnh giao. Ước hụt thu ngân sách so với dự toán trung ương giao là 2.138 tỷ đồng, hụt thu so với HĐND tỉnh giao là 4.088 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2020, phần ngân sách địa phương được hưởng là 8.380 tỷ đồng, thấp hơn định mức chi năm 2017 - năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách trong giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến mất cân đối thu - chi ngân sách địa phương so với HĐND tỉnh giao là 4.901 tỷ đồng (cấp tỉnh giảm 4.529 tỷ đồng, cấp huyện giảm 372 tỷ đồng).
 
Để chủ động điều hành thu, chi ngân sách trong điều kiện hụt thu, UBND tỉnh đã xây dựng các phương án, giải pháp điều hành mới trong xử lý hụt thu ngân sách năm 2020. Theo đó, tỉnh đề nghị trung ương bổ sung trong cân đối bằng với mức chi năm 2017, cộng với phần tăng lương cơ sở 1,210 triệu đồng lên 1,490 triệu đồng và kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội trả thay ngân sách trung ương, với tổng số tiền 3.056 tỷ đồng. Phần hụt thu còn lại tỉnh phải xử lý là 1.845 tỷ đồng, nên để đảm bảo thu - chi, UBND tỉnh sẽ cắt, giảm, giãn chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 1.100 tỷ đồng; sử dụng 70% số dư quỹ dự trữ tài chính đầu năm 2020 khoảng 24 tỷ đồng; cắt giảm các khoản chi thường xuyên, chi hội họp, đi công tác nước ngoài, các khoản chi không cần thiết khoảng 444 tỷ đồng...
 
Tỉnh cũng yêu cầu HĐND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án điều hành, đảm bảo cân đối ngân sách trong trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
 
T.NHỊ - H.HOA
 
 
 

.