Ngọt, đắng cùng cây dừa xiêm

04:10, 13/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Triển khai mô hình trồng dừa xiêm cùng một thời điểm, trong khi nông dân ở các xã của huyện Trà Bồng phấn khởi vì cây dừa sinh trưởng tốt, bắt đầu cho quả, thì ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), cây dừa xiêm lại cằn cỗi, không phát triển.
Dừa xiêm lên non
 
Cuối tháng 10.2017, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã Trà Bùi, Trà Tân và Trà Phú được UBND huyện Trà Bồng hỗ trợ trồng hơn 30ha dừa xiêm, với gần 250 hộ tham gia. Sau hơn 2 năm trồng, cây dừa xiêm đang sinh trưởng, phát triển tốt; trong đó có nhiều diện tích dừa bắt đầu cho quả. 
Nhiều cây dừa xiêm, ở xã Trà Phú (Trà Bồng) đã ra quả, mang lại hy vọng cho
Nhiều cây dừa xiêm, ở xã Trà Phú (Trà Bồng) đã ra quả, mang lại hy vọng cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, một trong những hộ tham gia mô hình này cho biết: “Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đầu tư phân, thuốc và kỹ thuật tốt nên chưa đầy hai năm thì dừa đã cho quả. Cán bộ địa phương và các phòng, ban ở huyện cũng quan tâm, thường xuyên đến kiểm tra và hướng dẫn xử lý khi cây mắc bệnh, hay bị côn trùng cắn phá”.
 
Với đặc điểm dễ trồng, thích nghi với những vùng đất mà điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thuận lợi, nên qua một thời gian triển khai, khoảng 80% dừa xiêm ở 3 xã của huyện Trà Bồng đều thích nghi tốt.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phú Bùi Quang Dần nhận định: “Thời tiết và thổ nhưỡng ở xã Trà Phú rất khắc nghiệt và rất ít cây trồng có thể thích nghi. Tuy nhiên, dừa xiêm đã "bén duyên" được với vùng đất này. Hiện nay, hơn 17ha dừa xiêm trồng ở 4 thôn đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hy vọng đây là mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết được vấn đề cây trồng ở Trà Phú”.
 
Gần 50% số cây giống đã chết
 
Năm 2018, HTX Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) Bình Thới (Bình Sơn) cũng triển khai mô hình trồng dừa xiêm ở tổ dân phố An Châu (nay thuộc thị trấn Châu Ổ), với kinh phí hơn 260 triệu đồng. Sau gần hai năm trồng, cây dừa xiêm ngày càng cằn cỗi, không phát triển.  
Cây dừa xiêm được trồng ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) hiện không phát triển.
Cây dừa xiêm được trồng ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) hiện không phát triển.
Theo Giám đốc HTX DVNN Bình Thới Nguyễn Quang Hiệp, mô hình triển khai trên diện tích đất vừa được cải tạo; phần diện tích này trước đó bị nhiễm phèn, phải bỏ hoang. Để trồng dừa, HTX đã nạo vét phần đất sét ở dưới và phân luồng, lạch để trồng dừa và tạo hệ thống mương, hồ nhỏ để thả nuôi cá, tôm, cua... Tuy nhiên, do đất sét chưa kịp phân hủy, độ phèn vẫn còn cao nên khi trồng, cây dừa không phát triển, thậm chí, có gần 50% số cây giống đã chết. Bên cạnh đó, năm nay khí hậu khắc nghiệt, hạn hán kéo dài nên không đủ nước tưới cũng là nguyên nhân khiến cây dừa không sống được.
 
Theo kế hoạch, mô hình dừa xiêm được triển khai ở thị trấn Châu Ổ (gồm thị trấn Châu Ổ và xã Bình Thới sau sáp nhập) lên đến 8ha. Tuy nhiên, hơn 1ha trồng thí điểm trước đó không mang lại hiệu quả nên mô hình này đã tạm dừng lại. Hiện địa phương đang tìm giải pháp để khắc phục và tiếp tục triển khai mô hình này theo kế hoạch đã đề ra.
 
Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Bình Sơn Lê Đăng Khoa nhìn nhận: “Trước khi triển khai mô hình trồng dừa xiêm, địa phương đã được tham khảo các mô hình ở nhiều tỉnh, thành. Nguyên nhân chính dẫn đến việc cây dừa không phát triển là do khâu chăm sóc không tốt; đồng thời, khi trồng dừa lại không phát quang bụi rậm, cây dại xung quanh. Do đó, trong thời gian đến, địa phương cần đưa ra giải pháp để khắc phục”.
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 
 
 
 
 

.