Tiên phong trồng rừng gỗ lớn

10:09, 21/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm trồng keo nguyên liệu, anh Huỳnh Anh Ngọc, thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã nhận ra giá trị to lớn của việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn. Từ đó, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi 22ha rừng sang trồng rừng gỗ lớn.
Anh Ngọc tham gia trồng rừng từ năm 1992. Tuy nhiên, thói quen trồng rừng nguyên liệu gỗ dăm của gia đình anh chỉ thay đổi đáng kể từ năm 2009. Đó là năm bão lụt lịch sử đã làm đổ ngã nhiều diện tích keo của rất nhiều người trồng rừng trong tỉnh.
 
Để khắc phục thiệt hại, nhiều hộ chọn cách chặt phá trồng lại, có hộ tận thu rồi tái đầu tư. Song với anh Ngọc, do diện tích rừng lớn, nên anh không thể chặt bỏ hết được. Sau một thời gian, anh nhận thấy nhiều cây đổ ngã đã tự phục hồi và phát triển. Rồi khoảng 3 - 4 năm sau, số keo này đã phát triển thành những cây gỗ to. Hiện có khoảng 200 cây trên 15 năm tuổi, giá trị mỗi cây từ 15 - 17 triệu đồng. 
 
Anh Nguyễn Anh Ngọc, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) bên rừng keo gỗ lớn 9 năm tuổi.
Anh Nguyễn Anh Ngọc, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) bên rừng keo gỗ lớn 9 năm tuổi.
 
Nhận thấy được giá trị của cây gỗ lớn, từ đó, anh Ngọc cùng với gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, thử nghiệm trên diện tích 2,5ha. Số diện tích keo này khi đó đã trồng được 5 năm, tới kỳ khai thác, nhưng chỉ tỉa thưa, chọn những cây tốt để lại, với khoảng cách mỗi cây từ 4 - 6m. Đến nay, sau 9 năm, số cây để lại đã phát triển thành những cây gỗ lớn, ước tính trọng lượng có thể đạt 1 tấn/cây. Tính ra 1ha rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) có thể đạt 450 - 500 triệu đồng/ha, cao hơn từ 4 - 5 lần so với rừng keo gỗ dăm.
 
Mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của anh Ngọc càng được xác định rõ khi năm 2019, Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn tỉnh được triển khai. Anh Ngọc đã mạnh dạn đăng ký tham gia chuyển 22ha rừng nguyên liệu gỗ dăm sang rừng nguyên liệu gỗ lớn.
 
Anh Ngọc chia sẻ: “Ban đầu, do mình chưa có kinh nghiệm, nên chỉ chuyển thử nghiệm 2,5ha sang trồng rừng gỗ lớn. Song, từ những tính toán kinh tế với diện tích trồng rừng gỗ lớn trên, tôi đã chuyển gần 19,5ha còn lại (đã trồng được 4 - 6 năm) sang trồng rừng gỗ lớn. Nếu không có chính sách hỗ trợ từ dự án trồng rừng gỗ lớn, gia đình tôi vẫn thực hiện. Tuy nhiên, giờ có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mình mạnh dạn hơn”.
 
Không chỉ xuất bán những cây gỗ keo lâu năm ra thị trường, anh Ngọc còn chọn những cây có vân đẹp để “thiết kế” thành những sản phẩm nội thất có giá trị như cửa, bàn, tủ, phản... Ngoài diện tích rừng keo, gia đình anh Ngọc còn đang sở hữu một diện tích đất vườn 3ha đáng mơ ước, với hàng trăm cây trồng lâu năm có giá trị như lim, xà cừ. Đối với nhiều người, việc chuyển hóa và tham gia trồng rừng gỗ lớn còn khá mới mẻ và dè dặt, nhưng với anh Ngọc, đây là hướng đi phù hợp với xu thế của thị trường hiện nay.
 
“Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm liên huyện Sơn Tịnh - TP.Quảng Ngãi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng tham gia mô hình trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, số hộ sở hữu diện tích rừng lớn vài ba chục hecta như gia đình anh Ngọc không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều hộ lo ngại ảnh hưởng đến đời sống kinh tế khi để rừng trồng lâu năm, nên không dám tham gia trồng rừng gỗ lớn. Hy vọng với hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình trồng rừng gỗ lớn của anh Ngọc sẽ là minh chứng thực tế nhất giúp các chủ rừng thay đổi phương thức trồng rừng mang tính bền vững hơn”.
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Sơn Tịnh - TP.Quảng Ngãi NGUYỄN VĂN TRUNG

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 
 

.