Ngăn ngừa dịch cúm gia cầm bùng phát

02:09, 24/09/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Thời tiết đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, xen kẽ nắng nóng là những trận mưa dông đầu mùa là yếu tố thuận lợi để dịch bệnh trên gia cầm bùng phát, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Khoanh vùng, dập dịch

Cuối tháng 8, đàn gà của gia đình ông Trương Quang Được ở đội 9, thôn Bình Đẳng, xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi) chết bất thường không rõ nguyên nhân.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng 4 để xét nghiệm. Kết quả, mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Toàn bộ đàn gà 1.300 con được nuôi đến 110 ngày tuổi, sắp xuất chuồng của gia đình ông Được đã bị tiêu hủy hoàn toàn.

Điều đáng nói là theo quy định, hộ chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin cúm A/H5N1 và A/H5N6, nhưng gia đình ông Được vẫn chưa tiêm phòng cho đàn gà dù nuôi với số lượng lớn.

Địa bàn xã Tịnh Ấn Đông cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra các ổ dịch cúm gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. “Có nghe nhà nước hỗ trợ vắc xin cúm, nhưng mình không rõ lắm” - ông Được phân bua.
 
Khoanh vùng, dập các ổ dịch.
Thời tiết giao mùa dễ xảy ra dịch bệnh trên gia cầm.

 

Không chỉ gia đình ông Được mà trong tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 ổ dịch cúm A/ H5N6 trên gia cầm tại thị xã Đức Phổ, Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi. Hầu hết gia cầm mắc bệnh là do chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng nhưng đã hết thời gian miễn dịch 6 tháng.

Ông Nguyễn Hai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm DVNN TP.Quảng Ngãi cho biết, lực lượng thú y và các hộ chăn nuôi đã khoanh vùng dập dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi xung quanh khu vực chăn nuôi gà và nơi tiêu hủy để ngăn chặn dịch lan rộng, đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi.

“Khuyến cáo các hộ chăn nuôi tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch. Đặc biệt, là phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là thời điểm giao mùa rất dể xảy ra dịch bệnh”- ông Hai khuyến cáo.

Chủ động ngăn ngừa

Thời gian qua, do thiệt hại từ bệnh dịch tả heo Châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi gia cầm nên số lượng đàn gia cầm của tỉnh tăng khá nhanh. Quảng Ngãi hiện có trên 5,5 triệu con gia cầm, trong đó tập trung chủ yếu tại các thị xã, thành phố và các huyện đồng bằng.
 
Người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm.
Người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm.

Đàn gia cầm trên địa bàn khá lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắcxin cúm A/H5N1 và A/H5N6 còn khá thấp. Hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, xen kẽ nắng nóng là những trận mưa dông đầu mùa. Thời tiết thay đổi là yếu tố thuận lợi để dịch bệnh trên gia cầm bùng phát.

Nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tăng cường nhiều giải pháp trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Cùng với tập trung tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tập trung thực hiện việc tiêm phòng vắc xin đợt 2 trong năm 2020. Đây là giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ cho biết, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng môi trường từ ngày 20.9- 20.10. Khử trùng toàn bộ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đường làng ngõ xóm.

Chi cục thực hiện tiêm phòng vắc xin đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó tiêm toàn bộ đàn gia cầm. Hiện nay vắc xin cúm gia cầm đã đưa về Chi cục khoảng 3 triệu liều để tiến hành thực hiện tiêm phòng.

Dự kiến sẽ có trên 80% của tổng đàn được tiêm phòng, trong đó tiêm tập trung ở các trang trại, gia trại có đàn gia cầm lớn phải tiêm đầy đủ.

Trong quá trình tổ chức tiêm phòng, nhân dân và chính quyền các cấp cần hợp tác với Chi cục để thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, tổng tiêm phòng để đảm bảo cho đàn gia cầm ổn định trước mùa mưa và chuẩn bị thực phẩm phục vụ tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến”- ông Hạ nói.


Bài, ảnh: A.KIỀU

.