Hành trình khát vọng

10:09, 06/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- 1. Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Quảng Ngãi đã ghi tên mình với nhiều chiến công hiển hách và là một trong những địa phương tiên phong của cả nước ở mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng.
 
Đầu năm 1930, hòa cùng dòng thác cách mạng của cả nước sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930), Quảng Ngãi đã hưởng ứng mạnh mẽ cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, để “chia lửa” với phong trào cách mạng nơi đây.
 
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước đứng lên khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Quảng Ngãi đã đoàn kết giành chính quyền trong toàn tỉnh khá sớm, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trong cả nước. 
 
Cầu Cổ Lũy được đầu tư mở hướng phát triển cho vùng ven biển Quảng Ngãi, đồng thời góp phần mở rộng đô thị TP.Quảng Ngãi về hướng biển. Ảnh: Tấn Cư
Cầu Cổ Lũy được đầu tư mở hướng phát triển cho vùng ven biển Quảng Ngãi, đồng thời góp phần mở rộng đô thị TP.Quảng Ngãi về hướng biển. Ảnh: Tấn Cư
Những dấu mốc kiêu hùng của lịch sử tỉnh nhà còn trải dài qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đó là Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) thắng lợi, lập nên Đội du kích Ba Tơ - tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5; là khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tháng 8.1959; là chiến thắng Ba Gia, chiến thắng Vạn Tường, một trong những địa phương đầu tiên dám đánh và đánh thắng quân đội Mỹ... Mỗi một sự kiện, mỗi một chiến công đều mang ý nghĩa lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
 
2. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tháng 12 năm 1975 Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Và gần 14 năm sau, tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, trên cơ sở chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. 
 
Ngày mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo. Đó là một thực tế. Song, với khí chất của con người Quảng Ngãi, toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đồng lòng hướng về phía trước, cùng chung tay kiến thiết tỉnh nhà.
 
Những công trình mang tính lịch sử được trung ương quan tâm đầu tư đã mở ra bước đột phá trên nhiều lĩnh vực.
 
Đó là công trình đại thủy nông Thạch Nham xây dựng, hoàn thành trong những năm 1990. Đây được xem là cuộc “cách mạng xanh” trải rộng khắp làng quê, tưới mát cho hơn 30.000ha ruộng đồng Quảng Ngãi.
 
Đó là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước được xây dựng và đi vào hoạt động (năm 2009) ở Vạn Tường đã làm cho quy mô và cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi có sự thay đổi lớn. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019, ước đạt gần 55.000 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với ngày tái lập tỉnh. Đến năm 2019, thu ngân sách đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với thời điểm tái lập tỉnh.
 
Đến nay, Quảng Ngãi đã hình thành các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp có công suất lớn, giá trị gia tăng cao. Ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn có Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, những nhà máy trong KCN VSIP Quảng Ngãi... Các sản phẩm công nghiệp có giá trị, kể cả các sản phẩm siêu trường, siêu trọng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới...
 
3. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 có chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội; phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước”. Đây là quyết tâm rất lớn  trong bối cảnh toàn tỉnh phải mạnh mẽ vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
 
Từ xuất phát điểm khá thấp so với cả nước, đến nay thu nhập bình quân đầu người của tỉnh so với cả nước đã có bước cải thiện đáng kể, đạt gần 3.100 USD/người/năm. Vì thế, nếu phấn đấu mức tăng trưởng GRDP 6-7%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, thì đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh có nhiều khả năng ít nhất bằng với thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
 
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  Bùi Thị Quỳnh Vân, quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Do vậy, Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề xuất lấy “thu nhập bình quân đầu người” làm mục tiêu phấn đấu cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
 
Chăm lo cho nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Mọi con đường phát triển đều hướng đến mục tiêu cao cả là vì nhân dân. Nhìn lại chặng đường dài đã qua, Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Quảng Ngãi hôm nay đã tạo dựng cho mình lợi thế và tiềm lực mạnh để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là những tiền đề quan trọng để tỉnh không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ.
 
Trong hành trình đi tới, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Vì thế, với khát vọng vươn lên, với tinh thần yêu nước, tự trọng, tự chủ, khẳng khái, sáng tạo của bao thế hệ quê hương núi Ấn- sông Trà luôn đi đầu trong những chặng đường lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ tư duy; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Và khi đã khơi dậy khát vọng, niềm tin phát triển trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, thì hành trình vươn tới sẽ sớm đơm hoa, kết trái.
 
HOÀNG TRIỀU
 
 

.