Rầy nâu tấn công trà lúa muộn

09:08, 31/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều trà lúa hè thu muộn bị rầy nâu gây hại, dẫn đến có nguy cơ gây mất mùa.
Đưa mắt nhìn một vòng quanh 2 sào ruộng của mình, lão nông Nguyễn Ngọc, ở thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) ngao ngán: “Còn chưa tới một tuần nữa là thu hoạch, mà giờ rầy nâu cắn phá, làm mình không yên tâm được. Rầy nâu tấn công thì thiệt hại nhanh lắm, chỉ trong vài đêm là có thể làm chết lúa, khô cây, dẫn đến thiệt hại nặng nề”. Nói đoạn, ông Ngọc cho biết phải đi mua thuốc về bơm, mặc cho lúa sắp đến ngày thu hoạch. 
 
Lão nông Nguyễn Ngọc, ở thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) phun thuốc diệt rầy nâu, dù  lúa gần thu hoạch.
Lão nông Nguyễn Ngọc, ở thôn Năng Tây 3, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) phun thuốc diệt rầy nâu, dù lúa gần thu hoạch.
Thấy ruộng của mình vừa bị rầy nâu cắn phá và sợ lây sang các thửa ruộng xung quanh, nên bà Mai Thị Hồng, ở thôn Bàn Thới, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) đã xử lý bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, do rầy nâu phát triển nhanh, nên gần 2 sào lúa của bà bị ảnh hưởng nặng nề. “Chăm bẵm cả vụ, đến lúc sắp thu hoạch thì bị rầy nâu cắn phá, chắc năng suất không cao. Lúc đầu tôi cũng định phun thuốc hai lần, nhưng nghĩ lại, lúa sắp thu hoạch mà sử dụng thuốc hoài không tốt nên thôi, thu được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu".
 
Rầy nâu là loại côn trùng hút và chích nhựa của cây trồng, nhất là cây lúa. Đặc tính của loại rầy là ngay cả con non cũng có thể phá hoại mùa màng của người dân. Chúng tập trung ở phần gốc, thân cây để hút nhựa. Nếu gặp trường hợp lúa dày, sẽ lây lan rất nhanh. Thông thường, rầy nâu hay xuất hiện lúc lúa đã trổ bông và ở giai đoạn sắp thu hoạch. Do đó, khi rầy tấn công, nhiều thửa ruộng có nguy cơ bị chết gốc, dẫn đến tình trạng cháy khô và bông sẽ không kén sữa, lép hạt.
 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rầy nâu là do quá trình canh tác, bón phân, thuốc không phù hợp, nhất là gieo sạ với mật độ dày. “Trước khi gieo sạ, người dân cần chú ý đến việc rải giống với mật độ trung bình, để sâu bệnh ít có cơ hội phát triển. Khi trị bệnh cho lúa, cần mua đúng loại thuốc, sử dụng đúng liều lượng mới hiệu quả. Không nên sử dụng phân bón, cũng như thuốc đặc trị một cách tùy tiện, sẽ dẫn đến những hậu quả không như mong muốn”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành Võ Văn Vinh nhấn mạnh.
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 330ha lúa ở các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh và TX.Đức Phổ bị rầy nâu gây hại. Trong đó, có hơn 20ha nhiễm bệnh nặng, không thể thu hoạch; hơn 240ha nhiễm bệnh mức độ nhẹ; 75ha nhiễm bệnh trung bình.
 
Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho biết: “Rầy nâu tập trung chủ yếu ở các trà lúa muộn, nên nhiều nông dân rất lo lắng vì sắp đến ngày thu hoạch. Để tránh tình trạng này, người dân cần tìm hiểu và thực hiện đúng khuyến cáo khi gieo sạ. Đồng thời, sử dụng thuốc sinh học diệt trừ, để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 
 

.