Quả ngọt từ kinh tế vườn

07:08, 12/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Bình Sơn đã nỗ lực cải tạo, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn, nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác và đã mang lại hiệu quả tích cực. 
Trước đây, trên 2,5ha đất vườn tạp, ông Phan Xuân Tâm, ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương (Bình Sơn) thường trồng mì, cao su, nhưng hiệu quả thấp, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, ông Tâm được hỗ trợ giống bơ, sầu riêng, chôm chôm và phân bón để chuyển đổi cây trồng từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất huyện Bình Sơn.
 
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học, các loại cây trong vườn đều phát triển tốt. “Chỉ sau một thời gian trồng, bơ, sầu riêng, chôm chôm đều đã cho trái bói, lượng quả rất đạt, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây”, ông Tâm nói. 
 
Vườn sầu riêng của ông Phan Xuân Tâm, ở xã Bình Khương (Bình Sơn).
Vườn sầu riêng của ông Phan Xuân Tâm, ở xã Bình Khương (Bình Sơn).
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương Nguyễn Đức Sơn cho biết: Từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện, địa phương đã chọn triển khai mô hình trồng cây ăn quả với 12 hộ dân tham gia trên diện tích khoảng 7ha. Ngoài ra, địa phương còn khuyến khích người dân mở rộng diện tích để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.
 
Trong khi đó, anh Tô Ngọc Thông, ở thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn) có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng ổi trân châu, ổi nữ hoàng. Có được kết quả này là nhờ huyện Bình Sơn hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng. Từ 1ha ổi ban đầu, đến nay anh Thông đã mở rộng diện tích lên 3ha. Anh Thông chia sẻ: “Trước đây, trồng keo phải 4 - 5 năm mới cho thu nhập, còn ổi trồng chỉ sau 5 tháng đã có thể thu hoạch. Ổi trồng theo hướng an toàn sinh học, nên không lo đầu ra. Vào vụ, bình quân mỗi ngày tôi xuất bán khoảng 500kg ổi, với giá dao động 16.000 - 20.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao”.
 
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, phân bổ cho 24 xã trên địa bàn huyện. Dự án mở ra hướng đi mới cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
“Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, đã tạo đòn bẩy để nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích, phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: M.DUYÊN
 
 
 

.