Công nghiệp tăng tốc phát triển

09:08, 12/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp (CN), đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, hiện nay hệ thống hạ tầng trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã và đang được đầu tư đồng bộ. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến đường Trì Bình - Cảng Dung Quất kết nối đường cao tốc và Quốc lộ 1 đến cảng Dung Quất cũng đã xây dựng hoàn thành. Hệ thống cảng biển nước sâu đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại có thể đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 200.000DWT. Đây là những lợi thế so sánh mang tính cốt lõi trong thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài KKT trong thời gian đến.
 
Đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế
 
Liên tiếp hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển CN là nhiệm vụ đột phá và ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề để tập trung lãnh đạo thực hiện. Nhờ vậy, ngành CN ngày càng phát triển vượt bậc, trở thành trụ cột trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. Cơ cấu ngành CN chuyển dịch tích cực, phát triển theo chiều sâu, ngày càng có thêm nhiều sản phẩm mới và giảm dần sự phụ thuộc vào Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất. 
 
Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị tăng thêm công nghiệp vượt chỉ tiêu Kết luận 18 của Tỉnh ủy chủ yếu nhờ có sản phẩm mới là thép của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị tăng thêm công nghiệp vượt chỉ tiêu Kết luận 18 của Tỉnh ủy chủ yếu nhờ có sản phẩm mới là thép của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
 
Hiện nay, sản phẩm chủ yếu của ngành CN Quảng Ngãi thuộc nhóm ngành chế biến, chế tạo, chiếm hơn 98% giá trị sản xuất CN của tỉnh. Trong đó, CN lọc hóa dầu chiếm tỷ trọng hơn 60%; chế biến thực phẩm, đồ uống (hơn 8%); sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí (hơn 4%); sản phẩm mới từ ngành CN luyện kim, sản xuất kim loại (gần 4%); chế biến lâm sản (2,5%). Riêng CN dệt may, da giày cũng là ngành có lợi thế phát triển của tỉnh (tăng trưởng 12,7%/năm), nhờ có nguồn lao động tương đối dồi dào, gắn với KCN VSIP Quảng Ngãi.
 
Theo Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài, trong giai đoạn 2016 - 2020, KKT Dung Quất tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong các KKT ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi từng bước được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt là, hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất và hạ tầng giao thông trục chính cơ bản đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài KKT, KCN; đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút đầu tư. 
 
Từ năm 2016 đến tháng 3.2020, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 164 dự án, với tổng vốn đầu tư 150.622 tỷ đồng (trong đó có 32 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 798 triệu USD); giải quyết việc làm cho khoảng 52.400 lao động. Riêng KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi thu hút 24 dự án đầu tư, với vốn đăng ký trên 820 triệu USD; trong đó có 12 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 11.000 lao động. Trong khi đó, 18/23 cụm CN (có tổng diện tích 299ha) đã thu hút được 139 dự án đăng ký đầu tư, với số vốn 2.525 tỷ đồng và đã có 88 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.850 lao động.
 
“KKT Dung Quất đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, có tính lan tỏa như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất; các dự án FDI tại KCN VSIP Quảng Ngãi...  Hiện nay, các dự án này đang trong giai đoạn thi công xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ tạo ra bước phát triển vượt bậc của KKT Dung Quất, trở thành trung tâm công nghiệp ven biển của khu vực miền Trung và là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”
 
Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi NGUYỄN MINH TÀI
Còn phụ thuộc vào lọc dầu
 
Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà cho biết: Trong 3 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kết luận 18 của Tỉnh ủy giao về đẩy mạnh phát triển CN giai đoạn 2016 - 2020, đến nay có 2 chỉ tiêu thực hiện vượt là giá trị sản xuất CN (GOCN) và giá trị tăng thêm công nghiệp (VACN). Trong đó, GOCN năm 2020 ước đạt gần 130 nghìn tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 4%/năm, vượt chỉ tiêu Kết luận 18 (tăng 2 - 3%/năm). Nếu không tính sản phẩm lọc dầu, GOCN năm 2020 ước thực hiện 53.182 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 24%/năm (Kết luận 18 đề ra chỉ tiêu tăng 14- 15%/năm). Còn đối với VACN, năm 2020 ước thực hiện trên 28 nghìn tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,03%/năm, vượt so với chỉ tiêu Kết luận 18 đề ra (tăng 3 - 4%/năm). Nếu không tính sản phẩm lọc dầu, VACN năm 2020 ước thực hiện 13.518 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 21,4%/năm.
 
“Giá trị sản xuất CN và giá trị tăng thêm CN vượt chỉ tiêu Kết luận 18 chủ yếu nhờ có sản phẩm mới là thép của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm). Đồng thời, hai chỉ tiêu này đạt mức tăng trưởng cao cho thấy, CN tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 phát triển đúng định hướng, có chất lượng, thiên về chiều sâu, gia tăng giá trị tăng thêm”, ông Võ Đình Trà nhận định.
 
Tuy nhiên, có một chỉ tiêu thực hiện không đạt Nghị quyết XIX và Kết luận 18 của Tỉnh ủy đề ra là tỷ trọng CN - xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Nghị quyết đề ra là tỷ trọng CN - xây dựng chiếm 60 - 61%, trong đó CN chiếm 56- 57% GRDP của tỉnh, nhưng đến năm 2020 tỷ trọng CN - xây dựng thực hiện đạt 54,78% cơ cấu GRDP của tỉnh, riêng CN chiếm khoảng 50,6%. Nguyên nhân không đạt chủ yếu do dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất công suất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm chậm tiến độ.
 
Đồng thời, năm 2020 NMLD Dung Quất phải tạm dừng sản xuất khoảng 52 ngày để bảo dưỡng và do giá dầu thô thấp kỷ lục, nên sản lượng sản phẩm lọc dầu giảm, giá sản phẩm lọc dầu tính theo giá hiện hành giảm, làm cho tỷ trọng ngành CN trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giảm. Qua đó cho thấy, phát triển CN của tỉnh hiện nay chưa đồng đều giữa các ngành nghề, sản phẩm và còn phụ thuộc nhiều vào sự hoạt động của NMLD Dung Quất.
 
Triển vọng tăng tốc
 
Một dấu ấn quan trọng trong phát triển CN của Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ qua, cũng như tạo điều kiện để ngành CN tỉnh tăng tốc trong những năm đến là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đầu tư tại KKT Dung Quất. Bên cạnh đó, chủ trương quy hoạch Trung tâm Lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất và một số công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; các nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh, bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất, dự án Thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ là động lực quan trọng cho ngành CN tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm đến.
 
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ trọng CN trong GRDP chiếm khoảng 41 - 42%. Giá trị sản xuất CN tăng bình quân 5%/năm; giá trị tăng thêm CN tăng bình quân 5,7%/năm. Đồng thời, xác định phát triển CN theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
 
Kết hợp hài hòa giữa phát triển CN theo chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm CN. Ưu tiên phát triển các ngành CN công nghệ cao, CN chế biến, chế tạo, CN xử lý nước thải, rác thải, các sản phẩm từ tro, xỉ của ngành CN luyện kim, CN năng lượng tái tạo... Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của sản phẩm.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
 
 
 
 

.