Mua sắm tập trung: Công khai, minh bạch và hiệu quả

10:07, 30/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 3 năm Quảng Ngãi tổ chức thực hiện quy định mua sắm tập trung theo Luật Đấu thầu 2013, tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng đây được xem là giải pháp để kiểm soát việc mua sắm tài sản công...
Phương thức mua sắm hiệu quả
 
Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung, nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
 
Hiện nay, đơn vị được giao nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức tổng hợp nhu cầu mua sắm, lên kế hoạch đấu thầu, mua sắm tập trung cho cả tỉnh là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban Quản lý). Theo nhận định của lãnh đạo Ban Quản lý, đây là phương thức mua sắm tiết kiệm, hiệu quả, làm lợi cho ngân sách rất lớn, do tính tập trung, công khai đấu thầu và giá trúng thầu thấp hơn giá trị tham gia đấu thầu. 
 
Nhiều trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được mua sắm tập trung.
Nhiều trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được mua sắm tập trung.
 
Năm 2019, tổng nhu cầu mua sắm của 45 đơn vị trong tỉnh lên đến hơn 532 tỷ đồng, được phân chia thành 28 gói thầu. Trong đó, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể hơn 195 tỷ đồng; mua sắm vật tư y tế gần 233 tỷ đồng; mua sắm cho ngành giáo dục hơn 50,4 tỷ đồng; các huyện, thành phố gần 22,5 tỷ đồng.
 
Đến hết năm 2019, Ban Quản lý đã hoàn thành mua sắm 28 gói thầu nói trên, với tổng giá trị dự thầu 480,2 tỷ đồng. Sau khi đấu thầu, tổng giá trị thực tế mua sắm tập trung gần 463,4 tỷ đồng, làm lợi cho ngân sách hơn 16,8 tỷ đồng.
 
Trong năm 2020, toàn tỉnh có 41 các đơn vị, địa phương có nhu cầu mua sắm, với tổng số tiền dự toán hơn 110 tỷ đồng, chủ yếu là mua sắm máy móc, thiết bị. So với năm 2019, nhu cầu mua sắm công của năm 2020 giảm đáng kể.
 
Kiểm soát chặt chẽ 
 
Từ khi được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối tổng hợp nhu cầu mua sắm, tổ chức đấu thầu, trực tiếp ký kết hợp đồng mua sắm cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Ban Quản lý đã bám sát các quy định của pháp luật về lĩnh vực này, nhất là tuân thủ nghiêm về tiêu chuẩn, định mức, chế độ, danh mục tài sản mua sắm tập trung.
 
Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, Ban Quản lý rà soát, tổng hợp và thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định giá đối với các thiết bị đề xuất mua sắm. Sau đó, gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện.
 
Khi được phê duyệt, Ban Quản lý đăng tải thông tin, thông báo mời thầu công khai, minh bạch trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, mọi tổ chức, cá nhân đều có thể truy cập, theo dõi và tham gia. Việc tiếp nhận hồ sơ dự thầu, đóng thầu, mở thầu đảm bảo quy định; đánh giá hồ sơ dự thầu một cách khách quan, minh bạch...
 
Ngoài ra, Ban Quản lý còn tổ chức đấu thầu qua mạng. Theo đó, năm 2020 có 100% gói thầu dưới 5 tỷ đồng sẽ tổ chức đấu thầu qua mạng, chiếm khoảng 60% tổng các gói thầu mua sắm của cả năm.
 
Phó Giám đốc Ban Quản lý Võ Thành Trung nhận định: "Thực hiện quy định mua sắm tập trung giúp cho hiệu quả mua sắm công tăng cao, đặc biệt là dễ kiểm soát quá trình mua sắm đúng thiết bị, chủng loại, chất lượng sản phẩm cần mua. Đặc biệt, rút ngắn thời gian mua sắm do tập trung về một đầu mối, việc thực hiện các bước thủ tục mua sắm thuận lợi hơn".
 
Theo ông Võ Thành Trung, khi đăng ký nhu cầu mua sắm, các đơn vị cần rà soát nhu cầu thực tế mua sắm của mình, tránh đề xuất, điều chỉnh nhiều lần; tổng hợp đầy đủ số lượng, chủng loại, dự toán kinh phí. Thực hiện đúng thời gian đăng ký mua sắm là chậm nhất trong quý I đối với nguồn vốn đã được bố trí theo niên độ và chậm nhất là quý III đối với nguồn vốn giao bổ sung. Đồng thời, xác định nguồn vốn trước khi đăng ký, để việc mua sắm được nhanh chóng, thuận lợi.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.