Xây dựng NTM tại các xã mới sáp nhập: Nhiều khó khăn

10:06, 26/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhưng sau khi sáp nhập với xã khó khăn hơn, nên các xã mới phải “làm lại từ đầu” một số tiêu chí, nhất là giao thông và thủy lợi...
Hai xã Bình Phú (cũ) và Bình Thanh Tây (cũ) của huyện Bình Sơn lần lượt được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018, 2019; trong khi hai xã Bình Tân (cũ) và Bình Thanh Đông (cũ) hiện chưa hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
 
Vì vậy, sau khi sáp nhập, xã Bình Tân Phú (sáp nhập xã Bình Tân với xã Bình Phú) hiện chỉ đạt 16/19 tiêu chí (3 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch, trường học, quốc phòng và an ninh trật tự), còn xã Bình Thanh (sáp nhập xã Bình Thanh Đông với xã Bình Thanh Tây) cũng chỉ mới đạt 15/19 tiêu chí (4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thủy lợi, trường học và cơ sở vật chất văn hóa).  
 
Giao thông là một trong những tiêu chí khó đối với các xã sau khi sáp nhập, vì nguồn lực đầu tư lớn, trong khi việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn.
Giao thông là một trong những tiêu chí khó đối với các xã sau khi sáp nhập, vì nguồn lực đầu tư lớn, trong khi việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn.
 
Ngoài ra, một số tiêu chí, như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn... tuy đạt, nhưng tỷ lệ còn thấp. Bởi nguyên nhân là do xã Bình Tân (cũ) và Bình Thanh Đông (cũ) là địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn... Chính vì vậy, để được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020, chính quyền và người dân xã Bình Tân Phú và Bình Thanh phải nỗ lực rất lớn, để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí.
 
“Trước mắt, xã tiến hành rà soát các tiêu chí của hai xã cũ, tiếp đó tổng hợp và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Bình Thanh. Khó nhất là tiêu chí giao thông và thủy lợi. Vì sau khi sáp nhập, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi sẽ lớn hơn trước, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên việc huy động nguồn lực để thực hiện các tiêu chí gặp rất nhiều khó khăn”, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh Nguyễn Hồng Phước chia sẻ.
 
Trong khi đó, xã Nghĩa Thắng (được sáp nhập từ xã Nghĩa Thắng với xã Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa) cũng gặp một số khó khăn nhất định. Dù cả hai địa phương trên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng sau sáp nhập, lộ trình xây dựng NTM của xã Nghĩa Thắng phải đảm bảo theo định hướng chính, chứ không phải “nhân đôi tiêu chí”. Chính vì vậy, hiện nay xã Nghĩa Thắng cũng đang tập trung rà soát, đánh giá mức độ thực hiện các tiêu chí, qua đó sẽ xây dựng kế hoạch củng cố và phát triển bền vững, cũng như nâng cao chất lượng các tiêu chí.
 
Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho biết: Sau sáp nhập, các xã gặp nhiều khó khăn do đội ngũ nhân lực quản lý chưa ổn định, khối lượng công việc cần giải quyết lớn... Vì vậy, trước mắt, Văn phòng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và đôn đốc các xã Bình Tân Phú, Bình Thanh, Nghĩa Thắng rà soát, đánh giá lại các tiêu chí NTM; cũng như xây dựng kế hoạch và đề xuất giải pháp cụ thể theo đúng chỉ tiêu, tiêu chí tại Quyết định số 711 của UBND tỉnh. Riêng xã Bình Tân Phú và Bình Thanh, Văn phòng đã tổ chức kiểm tra và thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí, để tổng hợp và báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh kịp thời tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc, đảm bảo tiến độ hoàn thành các tiêu chí vào cuối năm 2020.
 
“Tuy nhiên, quá trình rà soát, đánh giá lại tiêu chí NTM đòi hỏi cách nhìn hệ thống, toàn diện và tầm nhìn xa, chứ không phải sáp nhập là “nhân đôi tiêu chí”. Chính vì vậy, một số tiêu chí như quy hoạch, giao thông, thu nhập... phải có sự định hướng, xem xét dài hạn. Riêng vấn đề đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nhất là trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa - thể thao... cũng phải cân nhắc và đánh giá trước khi thực hiện, để tránh lãng phí”, ông Long cho hay.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.