Phát triển bền vững: Chặng đường còn lắm gian nan (Kỳ cuối)

09:06, 23/06/2020
.
Kỳ cuối: Phát triển bền vững - Đâu là giải pháp
 
(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của phát triển bền vững là hình thành nền kinh tế hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các nền kinh tế khác; đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; thu hẹp khoảng cách đời sống giữa người dân nông thôn, miền núi với người dân thành thị; đảm bảo môi trường sống trong lành; không làm thay đổi những giá trị văn hóa truyền thống; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Thực tiễn quá trình phát triển kinh tế trong những năm qua ở Quảng Ngãi cho thấy, để có một nền kinh tế phát triển bền vững là một bài toán khó. Bởi lẽ, để phát triển kinh tế thì phải thu hút đầu tư, mà đã thu hút đầu tư thì ít nhiều cũng tạo ra "xung đột" với môi trường và đời sống người dân trong vùng dự án... 
 
Đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: Đô thị hóa nông thôn là cần thiết, là xu thế tất yếu, nhưng cần có lộ trình, định hướng cụ thể và tuân thủ quy hoạch, không chạy theo thành tích; không thể tùy tiện chặt bỏ cây xanh, lấp ao hồ, hoặc lấy đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy, KCN, khu dân cư, đô thị... Cách làm này chỉ mang lại lợi ích trước mắt, nhưng để lại hệ lụy không tốt trong tương lai. 
 
Khuyến khích, hỗ trợ nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.      Ảnh: M.HOA
Khuyến khích, hỗ trợ nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ảnh: M.HOA
Do đó, đô thị hóa khu vực nông thôn, miền núi phải gắn liền với việc xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chi tiêu hợp lý để đầu tư phát triển kinh tế gia đình và tham gia bảo vệ môi trường. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh cần tăng cường nguồn vốn và huy động các nguồn lực để đầu tư cho khu vực nông thôn, ven biển, hải đảo và miền núi. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông, lâm, thủy sản, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống người dân.
 
“Đưa những mẫu kiến trúc xây dựng hiện đại và nếp sống văn minh đô thị về với nông thôn, miền núi là cần thiết, nhưng phải phù hợp với cảnh quan, nếp sống của người dân nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu. Đó mới là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Huỳnh Thị Phương Hoa chia sẻ.
 
Thực hiện hiệu quả Mô hình "liên kết 4 nhà"
 
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng chuyên sâu, bền vững; nâng cao giá trị gia tăng gắn với chuỗi giá trị các ngành hàng nông, lâm nghiệp. Triển khai hiệu quả nội dung Nghị quyết về "tam nông", mô hình "liên kết bốn nhà"...
Xây dựng bộ tiêu chí để thực hiện
 
Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho rằng, tỉnh CN là “hình ảnh tổng thể”, hàm ý về một trình độ phát triển mới, có chất lượng phát triển cao. Tỉnh CN không phải là một trạng thái của nền kinh tế, mà thể hiện một nội hàm, trong đó mô tả một giai đoạn phát triển tương ứng với trình độ cao của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Muốn trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại và được công nhận thì phải có “công cụ” nhằm cụ thể hóa mục tiêu bằng một dãy chỉ số có định lượng; nói một cách nôm na là, phải có bộ tiêu chí để đánh giá.  
 
Còn Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái thì nhìn nhận: Để sớm trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại thì cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CN nhưng phải chọn lọc, theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN công nghệ cao; phát triển CN ngoài dầu và CN phụ trợ cho các cụm ngành CN có lợi thế. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, các Cụm CN... và hạ tầng ngoài KCN, KKT. Tập trung xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia ở KKT Dung Quất. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Nam và nhà đầu tư thực hiện Dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí…
 
Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài cho biết: Ban Quản lý xác định mục tiêu trong 5 năm tới là đầu tư phát triển KKT Dung Quất để tiếp tục giữ vững vai trò là hạt nhân tăng trưởng của Quảng Ngãi; trở thành trung tâm CN ven biển của khu vực miền Trung. Phát huy vai trò cảng biển nước sâu trong thu hút đầu tư các dự án CN nặng, dự án quy mô lớn. Hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án CN trọng điểm trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
 
Hình thành những trụ cột phát triển mới 
 
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, phương châm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh là phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, được sử dụng các tiện ích xã hội; môi trường sống trong lành, ngày càng văn minh và thân thiện. Môi trường kinh doanh, đầu tư phải được cải thiện và thực hiện hiệu quả trong thu hút đầu tư; tuân thủ các quy hoạch. 
 
Khu công nghiệp - đô thị Dung Quất từng được kỳ vọng là cú huých cho hạ tầng công nghiệp ở KKT Dung Quất, nhưng sau nhiều năm vẫn là bãi đất trống.                                                                  Ảnh: L.ĐỨC
Khu công nghiệp - đô thị Dung Quất từng được kỳ vọng là cú huých cho hạ tầng công nghiệp ở KKT Dung Quất, nhưng sau nhiều năm vẫn là bãi đất trống. Ảnh: L.ĐỨC
 
Theo đó, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xoay quanh 4 trụ cột chính, gồm: Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm phụ thuộc sự tăng trưởng của nền kinh tế vào sản phẩm lọc hóa dầu. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN - dịch vụ - nông, lâm nghiệp và đẩy mạnh hội nhập; giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng lao động trong các ngành CN, dịch vụ; nâng mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của cả nước.
 
Tạo sự công bằng và hòa nhập xã hội; cải thiện môi trường sống, làm việc cho người dân và có giải pháp giảm nghèo bền vững. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; cải thiện hành chính công; cải cách lề lối làm việc, tác phong trong công tác của cán bộ, công chức. Tiếp tục chuyển đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế từ vị thế của một nhà quản lý truyền thống sang vị thế là chủ thể điều tiết và hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển một cách hiệu quả. Áp dụng nguyên tắc thị trường đối với các quyết sách kinh tế. Đảm bảo cạnh tranh công bằng và tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước; đồng thời đảm bảo quốc phòng; an ninh trật tự để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
 
Đổi mới mô hình tăng trưởng
 
Quảng Ngãi sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chất lượng lao động, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng chiều sâu là hướng chủ đạo.
 
P.DANH - M.HOA - L.ĐỨC
 
 

.