Kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

03:06, 10/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau thời gian trầm lắng vì dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đang triển khai nhiều chương trình cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Kích cầu cho vay
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó, nên không có nhu cầu vay vốn mà chủ yếu là xin được khoanh nợ, gia hạn nợ... Tuy nhiên, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 5.2020 đã tăng 0,22% so với thời điểm cuối tháng 4.2020.
 
Sở dĩ có mức tăng trưởng trên là nhờ các ngân hàng đẩy mạnh triển khai gói vay ưu đãi để hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm khắc phục khó khăn cũng như khôi phục sản xuất. Đến cuối tháng 4.2020, các gói tín dụng được các ngân hàng thương mại công bố hơn 650.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. 
 
Hiện Vietcombank Quảng Ngãi vẫn thực hiện giảm lãi suất 1% - 1,5%/năm cho khách hàng DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hiện Vietcombank Quảng Ngãi vẫn thực hiện giảm lãi suất 1% - 1,5%/năm cho khách hàng DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Từ giữa tháng 2.2020 đến nay, Vietcombank Quảng Ngãi đã thực hiện giảm lãi suất cho vay cũng như cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho khách hàng. Qua 3 đợt thực hiện giảm lãi suất, Vietcombank Quảng Ngãi đã hỗ trợ cho 10.000 khách hàng DN và khách hàng cá nhân vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, với tổng dư nợ được giảm khoảng 5.500 tỷ đồng.
 
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết: Thời điểm này, các DN, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã dần khôi phục sản xuất, nên bắt đầu có nhu cầu vay vốn đầu tư. Đặc biệt, một số DN đã tìm đến ngân hàng vay vốn cho các dự án liên quan đến lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, các vùng sản xuất rau an toàn... Đây là một tín hiệu tốt cho cả ngân hàng và khách hàng.
 
Tương tự, BIDV Quảng Ngãi cũng thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tín dụng. Từ tháng 3.2020, BIDV đã tung gói 50.000 tỷ đồng “kết nối vươn xa” cho khách hàng cá nhân vay sản xuất, kinh doanh, với lãi suất từ 6 - 6,5%/năm. Ngoài ra, còn nhiều gói tín dụng ưu đãi và khuyến khích vay dành cho khách hàng DN với lãi thấp, tùy theo đối tượng.
 
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2020. Vì vậy, không chỉ 2 ngân hàng nêu trên, mà các ngân hàng khác như Agribank, Vietinbank, MB... đều đang nỗ lực tìm cách để đẩy mạnh cho vay trong thời điểm này.
 
Kiểm soát tốt dòng tín dụng
 
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, khi công bố hết dịch, kinh tế sẽ hồi phục trở lại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khởi sắc, nhu cầu vay vốn của DN, cá nhân sẽ tăng trở lại. Đây cũng chính là thời điểm các tổ chức tín dụng (TCTD) bước vào cuộc “chạy đua” để tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch kéo dài, nên DN vẫn chưa thể phục hồi ngay, mà cần một khoảng thời gian khá dài. Chính vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho vay, ngành ngân hàng cũng cần đưa ra các phương án kiểm soát tốt dòng tín dụng.
 
Theo ông Võ Văn Linh, để kích cầu và tiếp tục hỗ trợ khách hàng, Vietcombank Quảng Ngãi vẫn thực hiện giải ngân, với mức lãi suất thấp hơn 1 - 1,5%/năm so với thông thường. Đồng thời, tiếp cận các DN để tư vấn giúp DN quản lý tài chính, tái cấu trúc cho phù hợp với tình hình sau dịch.
 
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là Ngân hàng Nhà nước cho phép TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23.1.2020 đến trước ngày 25.4.2020. 
 
Theo các TCTD, việc giới hạn phạm vi các khoản giải ngân từ ngày 23.1.2020 là rất cần thiết, tránh việc lợi dụng chính sách, gây hậu quả nợ xấu cho toàn hệ thống TCTD trong các năm tiếp theo.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.