Đất cằn nở hoa

09:06, 09/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sơn Tây là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thế nhưng, bằng những quyết sách đúng đắn, có trọng tâm, trọng điểm, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, rất nhiều mô hình phát triển kinh tế ở "xứ ngàn cau" đã cho quả ngọt.
 
Đạt được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền và những đổi thay trong nếp nghĩ của người Ca Dong quyết tâm làm giàu...
Những khu vườn bạc tỷ
 
Những năm trước, nhắc đến huyện Sơn Tây là hình ảnh những rừng cau trĩu quả, những cung đường uốn lượn qua núi đồi trùng điệp, cùng sự nghèo khó hiện ra. Ít người biết rằng, Khu 7 anh hùng năm xưa đang sở hữu những mô hình phát triển kinh tế mà không phải nơi nào cũng có được. Điều đó cho thấy, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII về phát triển kinh tế đã đi đúng hướng. 
 
Sau 2 năm bén duyên với
Sau 2 năm bén duyên với "đất ngàn câu", cây bưởi da xanh đã phát triển tốt và được người dân địa phương chọn trồng.
 
Bên lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, nơi giáp ranh với tỉnh Kon Tum, hàng nghìn cây mắc ca đang bắt đầu cho lứa quả thương phẩm đầu tiên. So với những khu vực trồng đại trà ở các tỉnh Tây Nguyên, cây mắc ca trồng ở xã Sơn Liên đạt kết quả không thua kém, khi tỷ lệ ra hoa và kết trái đạt trên 90%. Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế được đảng bộ huyện đưa vào nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020.
 
Nhận thấy mô hình trồng cây mắc ca do huyện đầu tư phát triển tốt, hơn 2 năm trước, ông Nguyễn Lên, ở xã Sơn Liên đã nối bước “chia tay” hơn 6,5ha đất trồng keo chuyển sang trồng cây mắc ca. Ông Lên bảo, thời điểm ông đặt những bầu cây mắc ca giống xuống hố trồng, ai cũng bảo ông sẽ trở thành... con nợ của ngân hàng. “Ông bà dạy, không liều thì làm sao thay đổi chính mình, nhưng tôi liều là có cơ sở, vì tôi tin định hướng của huyện là đúng và mình sẽ thành công”, ông Lên nói.
 
Từ xã Sơn Dung thong dong trên cung đường Đông Trường Sơn về xã Sơn Long, bên cung đường huyền thoại năm nào đang manh nha hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Hì hục phát dọn cỏ, sửa chữa đường ống dẫn nước và chăm sóc vườn bưởi da xanh gần 500 gốc đã 2 năm tuổi đang bắt đầu cho trái, anh Võ Quang, thôn Ra Pân cho biết: Trước đây, vùng này chỉ trồng mì, keo.
 
Trong một lần nghe xã phổ biến mô hình trồng bưởi da xanh, sẵn có đam mê nên tôi đăng ký tham gia. Và rồi, sự nhiệt huyết của cán bộ kỹ thuật cùng các lớp tập huấn về chăm sóc cây bưởi đã thôi thúc tôi quyết tâm trồng số lượng lớn. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có trong tay rẫy cây ăn quả như bây giờ. Với đà phát triển như hiện nay và giá thị trường ổn định, đây sẽ là “cây ATM” trong tương lai của gia đình”, anh Quang phấn khởi bảo.
 
Nghị quyết phải vì dân
 
Với phương châm “chậm mà chắc”, ngay từ cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện Sơn Tây xác định, bên cạnh các cây trồng truyền thống, phải lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để triển khai. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII để thực hiện.
 
Chính quan điểm đúng đắn, nên khi triển khai nghị quyết xuống cơ sở, mọi việc diễn ra đúng như kỳ vọng. Sau 5 năm, trên mảnh đất Sơn Tây không chỉ có cây cau, những mô hình chăn nuôi số lượng lớn, trồng rừng, mà còn có những khu vườn cây công nghiệp, cây ăn quả bạc tỷ, đầy hứa hẹn đang dần hình thành.
 
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng chia sẻ: Quan điểm của huyện là “ăn chắc mặc bền”, triển khai có trọng tâm, trọng điểm và quá trình thực hiện phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các mô hình phát triển kinh tế. Điểm khó của huyện là ý thức, trình độ của người dân còn hạn chế, nhưng qua các mô hình, bên cạnh cán bộ được giao việc bám sát, hướng dẫn tận tình, thì chính người dân đã thay đổi suy nghĩ và họ là chủ thể chính cho thành công hiện tại.
 
“Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo các xã khi xây dựng Nghị quyết đại hội đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển kinh tế, phải xác định loại cây trồng nào, con người thực hiện ra sao, đầu ra như thế nào, để đưa vào nghị quyết. Đồng thời, sau nửa nhiệm kỳ huyện sẽ tổ chức đánh giá, nếu các mô hình không hiệu quả như trong nghị quyết thì cán bộ được giao nhiệm vụ sẽ phải “rời vị trí” để người có năng lực thay thế. Nghị quyết thành công là phải làm cho dân có của ăn, của để, phải tự tạo ra thu nhập, chứ không phải hô hào khẩu hiệu. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ phục vụ công tác quy hoạch, bổ nhiệm”, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết.
 
Sẽ có "vựa trái cây" trên non cao
 
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, trên địa bàn xã có gần 10ha bưởi đã trồng, phát triển tốt và gần 4ha đang tiến hành xuống giống. Ngoài cây bưởi, thời gian tới xã sẽ đưa thêm một số giống cây ăn quả khác phù hợp với chân đất để trồng như cam, mít, tiêu, chuối. Với diện tích cây ăn quả đã và sắp trồng, cùng với sự nhiệt huyết của người dân, trong tương lai không xa, xã Sơn Long sẽ có vựa cây ăn quả lớn.
 
Bài, ảnh: Ngọc Quang
 
 
 
 
 

.