Sức sống mới trên Nông trường 24/3

04:05, 03/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Được thành lập sau ngày giải phóng đất nước, trải qua nhiều thăng trầm, Nông trường 24/3 - tên gọi mới là Công ty CP 24/3 (Đức Phổ), đã hiện thực hóa giấc mơ biến vùng đất cằn cỗi thành một vùng chuyên canh cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
 
Năm 1977, Nông trường 24/3 (ngày giải phóng Quảng Ngãi-PV) được thành lập tại thôn Phước Thượng, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.236ha. Khi ấy, nông trường là niềm tự hào và là chỗ dựa của các nông trường viên trong khôi phục kinh tế sau giải phóng. Những năm sau đó, do yêu cầu của chính sách phát triển kinh tế gắn với tình hình mới, Nông trường lần lượt đổi tên thành Công ty Nông nghiệp 24/4, rồi Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp 24/3. Năm 2017, thực hiện cổ phần hóa, công ty đã chuyển sang một tên gọi và hình thức kinh doanh mới: Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi. 
 
Công nhân Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi trồng mít ruột vàng, ruột đỏ tại Phổ Nhơn (thị xã Đức Phổ).
Công nhân Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi trồng mít ruột vàng, ruột đỏ tại Phổ Nhơn (thị xã Đức Phổ).
 
Ngay sau chuyển đổi, Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để kéo điện, khảo sát và xây dựng hệ thống bơm tưới nước, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất trên "cánh đồng mẫu lớn". Đồng thời chọn cây, con giống phù hợp, quyết tâm biến vùng đất khô cằn bao năm chỉ trồng các loại cây keo, mì thành một vùng bạt ngàn cây hàng hóa xuất khẩu, với diện tích hơn 200ha, gồm: Chuối Nam Mỹ, bưởi da xanh, mít ruột vàng, ruột đỏ Thái Lan; cây dược liệu, cây lá gai. Nơi đây còn là địa chỉ chăn nuôi thành công, với mô hình nuôi bò ngoại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Chúng tôi về vùng đất Phổ Nhơn đúng vào dịp công ty thu hoạch bí hồ lô xen canh với chuối Nam Mỹ. Những trái bí vàng ươm, những gốc chuối vươn xanh ngút tầm mắt, khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ. Bởi cách đó hơn nửa năm, nơi đây chỉ toàn là đất bỏ hoang, một phần trồng keo, mì lưa thưa, vì không có nước tưới. Kể từ khi chính thức cổ phần hóa, công ty đã đầu tư giống, kỹ thuật, công sức và chính thức "khai sinh" trên vùng đất Phổ Nhơn một vùng xen canh, với năng suất cây bí đạt 20 - 25 tấn/ha, mùa đầu tiên đã cho thu về khoảng 100 tấn bí. Doanh thu từ "cây xen canh" khoảng hơn 400 triệu đồng, đảm bảo cho mục tiêu "lấy ngắn nuôi dài" của công ty.
 
"Chúng tôi kiên định phương châm hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung, tổ chức sản xuất gắn với chế biến và thị trường theo chuỗi, nhằm gia tăng giá trị hàng hóa. Công ty ưu tiên tạo việc làm cho người dân địa phương. Mơ ước xa hơn là công ty sẽ tập trung đầu tư vừa phát triển kinh tế, vừa dần hình thành trung tâm khoa học thực tiễn lĩnh vực nông nghiệp, gắn với phát triển du lịch địa phương".
 
Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi LÊ DƯỠNG

Kỹ sư Phan Văn Thành, người trực tiếp phụ trách kỹ thuật tại vùng chuối rộng đến cả trăm hecta này cho biết: "Đây là vùng đất khắc nghiệt. Mặc dù được đi học tập mô hình trồng chuối Nam Mỹ ở Đồng Nai, nhưng khi triển khai, ban đầu cũng có một chút khó khăn. Dù vậy ngay sau đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thực tế và đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp từ phân bón, nước tưới, chăm sóc. 

Hiện tại, cây trồng phát triển tốt, đúng với kịch bản công ty xây dựng, riêng bí hồ lô thì đã cho thu hoạch, sản lượng vượt dự kiến. Chuối Nam Mỹ đến tháng 9.2020 sẽ cho thu hoạch". Đây là giống chuối cấy mô, nguồn gốc từ Hàn Quốc, có giá trị kinh tế cao, chuyên phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với Hàn Quốc, giá trung bình 20.000 đồng/kg. 

Mô hình chăn nuôi bò ngoại của Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi.
Mô hình chăn nuôi bò ngoại của Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi.
 
Những ngày sau khi Chính phủ nới lỏng lệnh cách ly xã hội, công ty tiếp tục làm đất và xuống giống 5.000 cây mít ruột vàng, ruột đỏ. Toàn bộ quá trình làm đất, xuống giống đều áp dụng triệt để biện pháp cơ giới hóa. Nước tưới được đầu tư hệ thống máy bơm dẫn từ sông về cánh đồng, với chiều dài khoảng vài kilomet, tưới nhỏ giọt được gắn đến tận gốc. Ngoài chuối và mít, bí đỏ, hiện công ty còn có hơn 100ha trồng bưởi da xanh, trang trại chăn nuôi bò thịt. Mỗi con bò lai nhập về giá khoảng 20 triệu đồng, sau 6 - 8 tháng nuôi, xuất bán thu về 50 - 60 triệu đồng.
 
Chúng tôi được đưa đi tham quan vùng chuyên canh bạt ngàn của các loại cây trái ấy trên chiếc xe ô tô chuyên dụng, mất cả tiếng đồng hồ mà vẫn đi chưa hết khu vực canh tác. Chỉ thấy cây, hiếm hoi lắm mới nhìn thấy bóng người lao động. Kỹ sư Phan Văn Thành, lý giải: Chỉ cần ấn nút là hệ thống tưới tự động sẽ vận hành. Cứ 1ha chuối có 1 công nhân chăm sóc và mít là 2ha/1 công nhân. Công việc của họ chỉ là theo dõi cây phát triển thế nào, có nguy cơ bị dịch bệnh không, để có giải pháp xử lý. Nói chung là công nhân nông nghiệp, nhưng họ ít có đụng tay đến cuốc, xẻng. Tất cả đều cơ giới hóa hết.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 

.