Nhiều nghề biển có nguy cơ mai một

02:05, 29/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, các hoạt động kinh tế khác ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản, khiến nhiều nghề biển truyền thống trên địa bàn tỉnh có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất.
Dần xa nghề lưới rùng
 
Vào những ngày biển lặng, ít gió, từng tốp ngư dân ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lại hăm hở rủ nhau đi bủa lưới rùng. Đây là phương pháp đánh bắt cá bằng lưới gần bờ khá độc đáo, được ngư dân nơi đây duy trì, gìn giữ ngót nghét 200 năm nay. 
Những
Những "bẫy tre" từ hoạt động nuôi tôm trên cát khiến ngư dân làm nghề lưới rùng tại làng chài Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm vị trí kéo lưới.
“Lưới rùng được ngư dân dùng thuyền, hoặc thúng mang ra cách bờ khoảng 1km rồi thả, bủa lưới theo hình cánh cung. Trên bờ, sẽ có 12 ngư dân chia làm hai đội, đứng song song nhau, cùng dồn sức, vừa đi giật lùi, vừa kéo lưới vào bờ”, ông Nguyễn Văn Năm, một trong những ngư dân gắn bó với nghề kéo lưới rùng hơn 20 năm qua tại xã Tịnh Kỳ, cho biết.
 
Là nghề không tốn nhiều chi phí, thời gian đánh bắt tương đối ngắn, nên nghề lưới rùng từng là nghề “hái ra tiền” của khoảng 20 chủ tàu và gần 300 ngư dân xã Tịnh Kỳ. Song đến nay, do nguồn lợi thủy sản ven bờ dần cạn kiệt, nên số lượng tàu còn theo đuổi nghề lưới rùng đã giảm đi 80%, chỉ còn 4 chủ tàu và khoảng 50 người còn gắn bó với nghề này. 
 
“Mới 10 năm trôi qua, nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm đi nhiều lắm. Ngày trước, kéo một mẻ lưới rùng, thu được vài tạ cá là bình thường. Vậy mà giờ, mỗi mẻ chỉ còn khoảng vài chục ký”, lão ngư Nguyễn Sinh chia sẻ.
 
Nghề lưới rùng không chỉ mai một dần ở làng chài Tịnh Kỳ, mà tại làng chài Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức), số lượng tàu làm nghề lưới rùng tại địa phương cũng chỉ còn 4 chiếc. “Phần vì lượng cá ven bờ sụt giảm nghiêm trọng, phần vì các chủ hồ tôm đấu nối đường ống nước ra tận biển. Những đường ống này, như chướng ngại vật ở vùng biển gần bờ, khiến ngư dân gặp khó trong kéo lưới về bờ. Thành thử, dần dà, chúng tôi đành chuyển nghề khác mưu sinh, chứ không trông chờ vào nghề kéo lưới rùng nữa”, ngư dân Nguyễn Phương, thôn Minh Tân Bắc, cho hay.
 
Không còn nghề thả chà dắt
 
Hồi tưởng về nghề thả chà dắt - nghề đánh bắt cá truyền thống ở làng chài, ngư dân Nguyễn Minh Hai, thôn Minh Tân Bắc trầm ngâm: “Ngư dân chúng tôi dùng những tấm chà làm bằng tre và lá dừa, thả cách bờ từ 2 - 2,5 hải lý để dụ mực, cá vào đó trú ngụ. Rồi sau đó, đi tàu theo cặp, dùng lưới giăng xung quanh chà để thu hoạch. Gặp trúng tấm chà thu hút được nhiều cá, thì có thể thu về từ vài trăm đến cả triệu đồng là chuyện thường. Hai chủ tàu cùng hùn tiền làm chà, rồi thả từ 15 - 20 tấm chà, đánh bắt từ tháng 6 - 10 âm lịch, là dư dả chi tiêu. Ấy vậy mà nay, cả làng chài, không còn ai giữ lại nghề”.
 
Là phương thức đánh bắt hiệu quả, nhưng theo ngư dân làng chài Minh Tân Bắc, trong vòng 10 năm trở lại đây, trước sự “lộng hành” của tàu giã cào hành nghề gần bờ, nên số lượng ngư dân làm nghề thả chà dắt đã giảm dần, rồi mất hẳn.
 
“Làm ra một tấm chà đâu phải chuyện giản đơn. Phải dùng dây cột, kết nối thật chặt 30 - 40 tàu lá dừa lại với nhau. Rồi dùng những tảng đá lớn cố định ở bốn góc chà như những cái neo giữ cho tấm chà không bị hải lưu cuốn đi. Tốn nhiều công sức lẫn tiền bạc, nhưng gặp tàu giã cào đi qua, là mất sạch. Đó là chưa kể, từ khi tàu giã cào đánh bắt gần bờ, lượng cá tìm đến trú ngụ tại các tấm chà cũng thưa dần. Vì thế, mọi người không còn sống được với nghề thả chà dắt, nên đã chuyển nghề”, lão ngư Đinh Cho tiếc nuối.
Cải tiến nghề, vẫn khó trụ vững
 
Không đành lòng nhìn nghề truyền thống hơn trăm năm mất đi, vài năm trở lại đây, ngư dân làng chài Minh Tân Bắc đã thay đổi cách thức làm chà. “Thay vì thả chà theo tấm, chúng tôi chuyển sang thả chà theo từng cây. Nghĩa là những tàu lá dừa sẽ được cột cố định vào cây chà bằng sắt dài từ 20 - 25m, rồi dựng vuông góc với mặt nước. Cột chà sẽ ngập sâu dưới lòng biển, chỉ nhô một đoạn từ 1 - 2m lên trên mặt biển để làm tín hiệu cho tàu thuyền tránh né. Nhờ đó, chà không bị thất thoát, hư hỏng vì bị tàu khác cuốn đi. Song, do nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm sút, nên thu nhập từ nghề chà cũng chẳng đáng là bao”, ngư dân Đinh Cho, thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh chia sẻ.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 
 
 

.