Gỡ khó cho nghề giã cào

03:05, 27/05/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Để gỡ khó cho nghề giã cào, cắt giảm số lượng tàu cá; khuyến khích chuyển đổi nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường, Quảng Ngãi đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.
Sức cùng lực kiệt

Nghề giã cào vốn là một nghề truyền thống của ngư dân vùng biển Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi). Nghĩa An vốn được biết đến là làng chài tỷ phú. Thế nhưng, 4 năm lại đây, cả xã Nghĩa An chìm trong “biển” nợ nần.

Làm chủ đôi tàu giã cào có tổng công suất hơn 1.400 CV, anh Nguyễn Văn Lâm, một chủ tàu ở xã Nghĩa An lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Anh “rùng mình” khi nhắc đến kiểu khai thác tận diệt, chụp giật, vơ vét của đội tàu giã hùng hậu.

“Nghĩ lại mình mới thấy nghề giã cào đúng là quá “tàn sát”, biển cạn kiệt cũng phải thôi. Từ lớn đến bé vơ vét tất tần tật, một đôi trúng luồng cá gọi cả chục đôi tới vét thì cá đâu sinh sản cho kịp?”- anh Lâm ngậm ngùi.
 
Sau 6 năm “tung hoành” với nghề giã cào, anh Lâm rơi vào cảnh sức cùng lực kiệt. Anh bị người đi bạn ứng trước, lừa hơn 2,5 tỷ đồng phải bán tháo 9 lô đất để trả nợ, bán đôi tàu được 2,5 tỷ đồng, nhưng vẫn ôm món nợ hơn 2 tỷ đồng của ngân hàng.
 
tàu giã cào.
Tàu giã cào tận diệt thủy sản.
 
Bán tháo đôi tàu giã cào cho một đầu nậu ở Vũng Tàu, có tiền sắm đôi tàu mới chuyển sang nghề câu, anh Lâm cảm thấy thấy mình may mắn hơn hàng trăm chủ tàu giã cào khác.

Mới chuyển sang nghề câu được vài chuyến biển, đang trong thời gian tập làm quen với nghề mới, nhưng anh Lâm cho biết đây là lựa chọn đúng đắn vì giảm được nhân công và phí tổn.

Bởi lẽ, một chiếc tàu hành nghề câu, anh Lâm chỉ cần 8 lao động đi biển thay vì chạy ngược chạy xuôi tìm 14 lao động như trước. Phí tốn cho chuyến biển nghề câu chỉ 200 triệu đồng, còn nghề giã cào lên đến 350 triệu đồng.

Cơ sở đóng tàu Tân An ra đời gần 20 năm, chưa bao giờ ảm đạm như bây giờ. Ba chiếc tàu giã cào đang đóng dang dở, chủ tàu bỏ cả trăm triệu đồng tiền đặt cọc, nằm phơi nắng phơi mưa đã bắt đầu hư hỏng.

“Họ bỏ tàu, mình ôm nợ mấy tỷ đồng. Vốn không có, nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ như cho vay lãi suất thấp, tôi sẽ chuyển sang nghề lưới rê” - ông Phương bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Đỗ Hồng Minh cho hay, xã Nghĩa  An có 700 chiếc tàu thì có đến 2/3 tàu đã nằm bờ nhiều năm qua khiến đời sống của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương rất mong tỉnh có cơ chế đặc thù hỗ trợ chuyển đổi nghề giã cào để giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.

Gỡ khó cho nghề giã cào

Quảng Ngãi có 5.500 tàu, trong đó tàu đánh bắt giã cào có hơn 1.600 chiếc, chiếm 34%, chủ yếu ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi), Phổ Thạnh (Đức Phổ).
 
a
Quảng Ngãi có hơn 1.000 tàu giã cào đang nằm bờ .
 
Từ ngày 1.12.2015, Quảng Ngãi tạm ngừng việc phát triển tàu giã cào, bao gồm cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ ngoài tỉnh về.

Siết chặt hoạt động đánh bắt thủy sản của nghề giã cào cùng với chi phí nhiên liệu cao, nhân công khan hiếm khiến hàng nghìn ngư dân hành nghề giã cào rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông, để gỡ khó cho tàu giã cào, cắt giảm số lượng tàu cá; khuyến khích chuyển đổi nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường, góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, Chi cục Thủy sản đã xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Sở NN&PTNT trình HĐND và UBND tỉnh xem xét thông qua.

Các chủ tàu hành nghề lưới kéo chuyển sang nghề khác được hỗ trợ từ 50 đến 150 triệu đồng, tùy chiều dài thân tàu. Hình thức thực hiện là hỗ trợ một lần. Thời gian hỗ trợ từ năm 2020 đến năm 2022.

Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề giã cào sang các nghề khác thân thiện môi trường là rất cần thiết. Đó là cách vừa gỡ khó cho ngư dân giúp họ tiếp tục vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vừa hồi phục, nuôi dưỡng nguồn lợi, trữ lượng hải sản, phát triển nghề cá theo hướng bền vững.  
Bài, ảnh: C.P

.