Xử lý tàu khai thác hải sản trái quy định

09:04, 13/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để chấn chỉnh những tồn tại và bất cập trong khai thác thủy sản.
Theo Luật Thủy sản 2017, tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m buộc phải có giấy phép khai thác (GPKT) hải sản. Toàn tỉnh hiện có 414 tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m (chưa tính huyện đảo Lý Sơn), nhưng hầu hết đều là tàu “3 không”: Không đăng kiểm, không số hiệu, không có GPKT hải sản. Một phần nguyên nhân là do chính quyền các địa phương ven biển chưa quan tâm đến việc kiểm đếm và cấp GPKT hải sản cho số tàu thuyền có chiều dài 6 - 12m khai thác ven bờ. 
Nhiều tàu có chiều dài 6 - 12m không đăng kiểm, không số hiệu, không có GPKT hải sản nên rất khó quản lý.
Nhiều tàu có chiều dài 6 - 12m không đăng kiểm, không số hiệu, không có GPKT hải sản nên rất khó quản lý.
 
Còn theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.454 chiếc tàu hành nghề lưới kéo đơn hoặc đôi (còn gọi là giã cào) có chiều dài từ 15m trở lên (trong đó có 112 tàu có chiều dài trên 24m) được cấp phép hoạt động ở vùng khơi. Dù vậy, nhiều tàu trong số này lại khai thác hải sản ở tuyến lộng, ven bờ. Dù biết như thế là sai quy định, ảnh hưởng đến nguồn lợi và sinh thái biển, nhưng những chủ tàu hành nghề giã cào vẫn bất chấp, vì điệp khúc mưu sinh!
 
“Nguồn lợi hải sản suy giảm, giá bán bấp bênh, trong khi chi phí cho mỗi chuyến biển xa bờ tốn kém. Vì vậy, bất đắc dĩ, tôi mới chuyển sang hoạt động gần bờ để duy trì cuộc sống”, ngư dân N.T.H, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) phân trần.
 
Ngoài ra, một số tàu hành nghề lưới chụp có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ, nhưng lại hoạt động “chui” ở tuyến lộng. Nguyên nhân do một số thời điểm trong năm, sản lượng mực (đối tượng khai thác chính của nghề lưới chụp) ở khu vực ven bờ nhiều hơn vùng khơi. Điều đáng nói nữa là, tàu hành nghề lưới chụp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48, nếu không giám sát chặt chẽ quá trình khai thác hải sản, thì chủ tàu sẽ được "lợi kép". “Biết hoạt động sai ngư trường, nên chủ tàu đã tắt thiết bị giám sát hành trình, xuất bến “chui”, khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát”, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết.
 
Trước thực trạng này, Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển kiểm đếm chính xác tàu có chiều dài 6 - 12m, công suất dưới 20CV, để thực hiện các thủ tục liên quan, trong đó có việc cấp GPKT hải sản. Đây là một trong các nội dung mà Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá (dự kiến vào tháng 5 đến), trước khi xem xét gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
 
Sẽ kiên quyết xử phạt
 
Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, nếu không có giấy phép khai thác hải sản, chủ tàu cá có chiều dài 6 - 12m bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng; chủ tàu có chiều dài 12 - 15m bị phạt 50 - 70 triệu đồng, kèm một số hình thức phạt bổ sung.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.