Thương lái đồng hành cùng nông dân

02:04, 11/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trước tình hình khó khăn này, các đầu mối thu mua đã có nhiều giải pháp thích hợp, vừa giúp nông dân bán được nông sản, vừa tích trữ hàng, chờ thị trường "ấm lên" để tiêu thụ.
Những ngày này, nông dân vùng chuyên canh ớt của TP.Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn  khẩn trương ra đồng thu hoạch. Khác với mọi lần, nông dân ra đồng không tụ tập đông người và ai cũng mang khẩu trang phòng dịch. Việc thu hoạch, thu mua sơ chế ớt vẫn hoạt động theo một vòng khép kín từ đồng về xưởng, tuân thủ "giãn khoảng cách cần thiết" theo quy định. Vì thế, một mùa ớt tưởng chừng như thất bát vì cánh cửa xuất khẩu đóng chặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì nay nông dân đã có thể huề vốn, đủ sức để có thể tiếp tục xoay xở cho những mùa vụ tiếp theo. 
 
Phân loại ớt tại một cơ sở thu mua ở xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) phục vụ xuất khẩu.
Phân loại ớt tại một cơ sở thu mua ở xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) phục vụ xuất khẩu.
 
Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ ớt năm 2020. Ngay từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, Quảng Ngãi đã dự báo những khó khăn trong xuất khẩu ớt, vì đây là thị trường chiếm đến hơn 90% sản lượng xuất khẩu. Với sản lượng được dự báo là hơn 19.000 tấn ớt, nhưng thực tế con số này lớn hơn nhiều, do nông dân tự phát trồng ngoài quy hoạch. Dù vậy, tuy giá bán chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng ớt thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó.
 
Từ cuối tháng 3 đến nay, các cơ sở thu mua ớt ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa và  TP.Quảng Ngãi hoạt động hết công suất. Tại xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), 3 cơ sở lớn thu mua sơ chế ớt xuất khẩu tổ chức thu mua, phân loại... liên tục. Không chỉ thu mua ớt cho nông dân trong xã, trong thành phố, mà 3 cơ sở này còn tổ chức thu mua tận Tư Nghĩa, Mộ Đức. Những chiếc xe đông lạnh chờ sẵn, khi đầy hàng là vận chuyển ra phía Bắc nhập kho, bảo quản, chờ có điều kiện là xuất bán sang Trung Quốc.
 
Với số ớt không đủ điều kiện xuất khẩu tươi, thì tranh thủ thời tiết nắng, thương lái thu mua, rồi phơi khô, đóng bao, xuất bán cho những cơ sở chế biến ớt bột ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Nhân, cơ sở ớt thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) cho biết: "Chúng tôi phải bỏ thêm vốn để thu mua ớt cho nông dân, đồng thời nỗ lực kết nối với những doanh nghiệp trung gian xuất khẩu để tìm kiếm đối tác. Vì thế, tuy khó khăn nhưng không bế tắc, chúng tôi vẫn thu mua hết sản lượng ớt cho nông dân".
 
Ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức hiện đang là mùa thu hoạch khoai lang. Do ảnh hưởng của dịch, sức tiêu thụ khoai lang tươi trên thị trường giảm hẳn. Xác định tình hình khó khăn này, nhiều cơ sở thu mua khoai lang đã đầu tư máy xắt, sấy khoai lang khô để kéo dài thời gian bảo quản. Vì thế, hàng trăm héc ta khoai lang ở Mộ Đức, Sơn Tịnh thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đó. Giá bán tuy giảm hơn mọi năm, nhưng hiện vẫn giữ ở mức bình quân 10.000 đồng/kg, đặc biệt là không tồn đọng đã giúp nhiều nông dân trồng khoai lang thoát khỏi cảnh lo lắng.
 
Hiện nay, một số cơ sở chế biến khoai lang khô đang liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm khoai lang khô vào các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Một số hợp đồng đã được ký kết, chờ dịch Covid-19 đi qua, khoai lang khô của Quảng Ngãi sẽ chính thức lên kệ phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
 
Bài ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.