Liên kết sản xuất trong nông nghiệp: Hướng đi hiệu quả

10:04, 13/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để sản phẩm nông nghiệp của nông dân không còn bí đầu ra, nhiều địa phương, Hợp tác xã (HTX) đã liên kết với doanh nghiệp, nhằm cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm.
Nông dân yên tâm
 
Đây là năm thứ hai, nông dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức) liên kết với Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Quảng Ngãi trồng đậu nành. Năm đầu tiên, địa phương chỉ đăng ký gieo trồng gần 5ha ở các vùng đất bãi bồi ven sông. Thấy cây đậu nành mang lại hiệu quả cao, việc cam kết thu mua sản phẩm với giá cả hợp lý, nên diện tích cây trồng này hiện đã tăng lên gấp đôi.
 
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Hiệp Lê Văn Trường cho biết: “Ngày trước, diện tích đất này nông dân trồng dâu, nhưng giờ nghề này không còn hiệu quả nữa. Vì vậy, HTX đã liên kết với Vinasoy trồng cây đậu nành. Tất cả sản phẩm nông dân làm ra đều được Vinasoy thu mua, nên nông dân rất yên tâm. Thời gian đến, diện tích trồng đậu nành sẽ tiếp tục được mở rộng”. 
 
Việc liên kết sản xuất giúp sản phẩm đậu nành của nông dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức) có đầu ra ổn định.
Việc liên kết sản xuất giúp sản phẩm đậu nành của nông dân xã Đức Hiệp (Mộ Đức) có đầu ra ổn định.
 
Trong khi đó, người dân thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) thì liên kết với Công ty TNHH Thuận Giao - Bình Định triển khai mô hình trồng bắp lai trên 10ha đất thường xuyên bị khô hạn. Nông dân được công ty cấp giống, hỗ trợ phân bón và bao tiêu sản phẩm. Ngay trong vụ đầu tiên, năng suất đạt hơn 70 tạ/ha và được công ty mua với giá 5 nghìn đồng/kg.
 
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tịnh Đông Nguyễn Thị Thanh Tùng, bình quân 1 sào bắp cho thu nhập từ 1,8 - 2 triệu đồng. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng để phù hợp với loại đất; đồng thời HTX sẽ liên kết với các công ty, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
 
Hướng đi bền vững
 
Việc các công ty, doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã góp phần giúp sản phẩm nông nghiệp không còn bí đầu ra. 
 
Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như cho biết: “Kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp. Thời gian qua có nhiều mô hình sản xuất triển vọng được người dân áp dụng, triển khai. Tuy nhiên, có không ít lần nông dân lao đao vì sản phẩm không tiêu thụ được, chưa có đầu ra ổn định. Vì vậy, địa phương đã nỗ lực kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp, công ty nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm và có trách nhiệm với sản phẩm nông nghiệp do mình tạo ra”.
 
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT), hiện có nhiều HTX đã liên kết với nông dân để cùng thành lập chuỗi sản xuất. Việc ký kết, thỏa thuận có sự giám sát của địa phương để tạo ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. “Song song với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết trong sản xuất cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian đến, Chi cục sẽ tạo điều kiện và kết nối nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, để giúp sản phẩm các địa phương có chỗ đứng trên thị trường”, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Văn Dương nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT
 
 
 

.