Hải sản rớt giá, ngư dân gặp khó

08:04, 21/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giá xăng, dầu giảm kỷ lục, nhưng do giá các loại hải sản thời gian gần đây cũng giảm mạnh, thu không đủ chi, nên rất nhiều chủ tàu và ngư dân gặp khó.
Giá giảm mạnh
 
Sau 20 ngày khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, tàu cá của ngư dân Nguyễn Danh, xã Bình Châu (Bình Sơn) cùng nhiều bạn chài đã cập cảng trong niềm vui vì đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị. Song, niềm vui không trọn vẹn, vì các loại hải sản đang được thu mua với giá quá rẻ.
 
Ngư dân Nguyễn Danh chia sẻ: “Đánh bắt ngoài khơi xa đã là cái nghiệp rồi. Dẫu vậy, dù có gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, tụi tôi vẫn không ngại. Nhưng điều mà chúng tôi ngán nhất là giá cả bấp bênh. Đợt này tàu tôi đánh bắt rất thuận lợi, nhưng tính ra chỉ đủ chia công lao động cho anh em bạn tàu. Thường thì sau mỗi chuyến biển tàu tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi lại tiếp tục ra khơi. Tuy nhiên, đợt này tôi quyết định nghỉ một thời gian, chờ xem giá cả thế nào rồi mới ra khơi đánh bắt trở lại.
 
Tương tự, những bạn thuyền trên chiếc tàu vỏ gỗ có công suất 750CV của ngư dân Nguyễn Sáu, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) cũng không lấy gì làm vui vẻ trong chuyến biển vừa qua. Bởi, những thành quả lao động cực nhọc của họ được thu mua với giá chỉ bằng một nửa so với trước kia. 
 
Dù sản lượng khai thác đạt khá, nhưng ngư dân kém vui vì giá cá giảm mạnh.
Dù sản lượng khai thác đạt khá, nhưng ngư dân kém vui vì giá cá giảm mạnh.
Trên thị trường, hiện giá cá đã giảm từ 40 - 60% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Cụ thể, giá cá bè chỉ còn 30.000 đồng/kg (trước kia 70.000 đồng/kg); cá nục loại 3 - 4 con/kg trước kia có giá 28.000- 30.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 12.000 đồng/kg; cá ngừ vùng khơi loại trên 1kg/con chỉ còn 15.000 - 17.000/kg; cá mú hiện chỉ còn 70.000 đồng/kg...
 
Còn đối với các ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ), chưa bao giờ họ lại gặp khó khăn như hiện nay. Chủ tàu Mai Xuân Thủy cho hay: “Lẽ ra, đây là thời điểm ngư dân trong tỉnh vui mừng, vì thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu lại giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện tại nhiều chủ tàu vẫn không mấy mặn mà ra khơi, vì giá cá giảm quá nhiều. Việc bán buôn đã khó, nay lại thêm cảnh doanh nghiệp (DN) thu mua cá nợ tiền trong mấy tháng liền, nên ngư dân cũng đuối”.
 
Không chỉ ngư dân lao đao do các loại hải sản rớt giá thê thảm, mà các cơ sở thu mua, DN chế biến hải sản cũng gặp khó. Nhiều dây chuyền đã dừng hoạt động, hải sản dồn ứ, tốn kém chi phí bảo quản. Người lao động thì rơi vào cảnh thất nghiệp...
 
Ngư dân lệ thuộc vào đầu nậu
 
Thực tế lâu nay việc khai thác, chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, đặc biệt ở khâu tiêu thụ sản phẩm hải sản, các ngư dân chủ yếu phụ thuộc vào các đầu nậu. Mặt bằng giá thường do đội ngũ thu mua quyết định. Trong khi đó, trên thị trường xuất khẩu, các DN lại đang phụ thuộc vào nhu cầu từng thời điểm của các thị trường. Chỉ cần một thị trường truyền thống bất ổn kéo theo những khó khăn từ DN xuất khẩu, thương lái cho đến những người trực tiếp đánh bắt như chủ tàu, ngư dân. 
Giá cá ngừ đại dương hiện giảm mạnh do xuất khẩu bị đình trệ.
Giá cá ngừ đại dương hiện giảm mạnh do xuất khẩu bị đình trệ.
Quảng Ngãi có hàng nghìn tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ; sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt khoảng 250 nghìn tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, thị trường bị thu hẹp, nên nguồn hải sản khai thác của ngư dân Quảng Ngãi rơi vào cảnh khủng hoảng thừa. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, tạm dừng kinh doanh; người dân hạn chế ra đường dẫn đến sức tiêu thụ các loại thủy hải sản cũng giảm mạnh, nhất là những loại hải sản có giá trị.
 
Có một nghịch lý hiện nay là, dù giá các loại hải sản mà ngư dân bán trực tiếp cho các chủ nậu giảm mạnh, thế nhưng giá bán tại các chợ đến tay người tiêu dùng lại có giá cao gấp 4 - 6 lần, tùy theo chợ ở mỗi địa phương. Để có giá tốt hơn, những ngư dân đánh bắt gần bờ đã chọn cách bán lẻ ở chợ. Tuy nhiên, đối với những chủ tàu công suất lớn, chuyên đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể phụ thuộc vào đầu nậu. Vì vậy, câu chuyện “được mùa, mất giá” luôn là bài toán nan giải.
 
“Vừa rồi, mấy chủ nậu thông báo cá còn “bí” nhiều quá chưa đi được, nên sắp tới sẽ không thu mua nữa. Lo sợ đánh bắt không hiệu quả, giá cả lại quá thấp, rồi không bán được nên đợt này tôi chỉ đi một chiếc, còn một chiếc tạm thời nghỉ ở nhà để chờ xem giá cả có tốt hơn không, rồi mới tính tiếp”, ngư dân Nguyễn Sáu bày tỏ.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 

.