Doanh nghiệp tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh: Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn

09:04, 23/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đối mặt với những khó khăn đang bủa vây bởi tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) hoạt động tại KKT Dung Quất đang rất cần sự quan tâm và có những giải pháp hỗ trợ thiết thực của tỉnh, Trung ương.
Nỗ lực vượt khó
 
Mặc dù Quảng Ngãi được xếp vào diện "địa phương có nguy cơ thấp", song tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 ở một số DN có đông lao động tại KKT Dung Quất vẫn luôn ở mức cao. Các DN duy trì thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay kháng khuẩn, đo thân nhiệt, xe đưa đón công nhân chỉ vận chuyển tối đa 20 người...
 
Đồng thời, cho phép công nhân cắt giảm giờ làm việc như vào ca trễ 30 phút, hoặc về sớm 30 phút so với ngày bình thường; tổ chức phân ca kíp, chia nhỏ lực lượng công nhân trong cùng một thời điểm tại nhà máy; các phương tiện ra vào nhà máy đều được phun thuốc khử trùng; khách đến liên hệ công việc phải khai báo y tế đúng quy định. 
 
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại Doosan Vina.Thiếu hụt chuyên gia, lao động nước ngoài.
Hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại Doosan Vina.Thiếu hụt chuyên gia, lao động nước ngoài.
Tại Doosan Vina, việc giãn cách xã hội được duy trì khá nghiêm ngặt. Tất cả người lao động đều phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc; họp online hoặc họp trực tiếp ngồi cách nhau ít nhất 2m. Tại căng tin, công ty lắp vách ngăn trên tất cả các bàn ăn; mở rộng khu vực ngồi ăn đảm bảo giãn khoảng cách. Đồng thời, phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất lập chốt kiểm tra y tế tại cảng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Doosan Vina là một trong những DN đạt được nhiều kết quả trong kinh doanh quý I/2020. Nhà máy đảm bảo tiến độ với 29 hợp đồng của đối tác trong và ngoài nước, với tổng khối lượng gần 50 nghìn tấn.
 
Tại Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất, sau sự cố đáng tiếc do để hàng nghìn người lao động chen chân ra vào nhà máy hồi đầu tháng 4.2020, hiện nay việc chấp hành các quy định đã đi vào nền nếp. Việc ra vào nhà máy đã đảm bảo khoảng cách, kiểm tra thân nhiệt; bếp ăn được lắp đặt vách ngăn; việc khử trùng văn phòng, nhà xưởng đã được tăng cường...
 
Còn tại các nhà máy may, sản xuất linh kiện điện tử, sợi bông... ở KKT Dung Quất vào thời điểm dịch bùng phát, thay vì đóng cửa thì một số nhà máy đã đưa vào vận hành một số chuyền may, chuyền dệt trước đó đầu tư, nhưng chưa vận hành. Mục đích là giãn khoảng cách người lao động trong quá trình làm việc. Giám đốc Vinatex Dung Quất Nguyễn Thanh An cho biết: "Nhà máy có một số lao động ở Quảng Nam (vùng có nguy cơ cao) vào làm việc, nên việc đảm bảo các quy định phòng dịch là hết sức quan trọng. Số công nhân này được tạo điều kiện ở lại ký túc xá, đưa đón đi lại bằng xe buýt".
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng lớn người lao động, chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các DN, dự án. Trong đó, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất bị ảnh hưởng nhiều nhất; việc lắp đặt, máy móc thiết bị và vận hành, chạy thử dây chuyền sản xuất 2 triệu tấn của Thép Hòa Phát không thể thực hiện, làm chậm tiến độ của dự án từ 4 - 5 tháng. Từ đầu tháng 4.2020, một số DN đã tạm thời cho nghỉ việc đối với khoảng 4.458 lao động và hơn 1.401 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Cần sự hỗ trợ thiết thực
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Dưới tác động của dịch Covid-19, đa số các DN trong tỉnh phải cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, sản xuất cầm chừng để giữ lao động. Hàng tồn đọng nhiều, do không xuất khẩu được, lượng tiêu thụ trong nước hạn chế, trong khi các khoản thuế, phí, giá nguyên vật liệu cũng là một rào cản, ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Điển hình là các DN ngành dệt may, điện tử chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Hiện nay, các nhà máy ở KKT Dung Quất đã cho nghỉ việc tạm thời và nghỉ việc lâu dài hàng nghìn lao động. Nguyên nhân là do bị hủy đơn hàng, hoạt động sản xuất bị thu hẹp. 
 
Còn với sản phẩm lọc hóa dầu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh từ 30 - 40%, lượng hàng tồn kho nhiều và giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; chế biến gỗ, giấy; sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) Hà Đức Thắng cho hay: Trước những khó khăn của các DN trên địa bàn, Ban Quản lý đã kiến nghị tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ DN, như gia hạn visa cho chuyên gia, lao động người nước ngoài làm việc tại các dự án lớn trong KKT Dung Quất. Mới đây, Ban Quản lý cũng đã có văn bản đề nghị các DN khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách người lao động làm việc tại DN thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ gửi về Sở LĐ-TB&XH để được hỗ trợ.
 
Theo kiến nghị của nhiều DN, hiện nay số lượng lớn người lao động, chuyên gia nước ngoài bị tạm dừng nhập cảnh làm chậm tiến độ của các dự án, gây thiệt hại cho các DN. Do vậy, DN kiến nghị tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, DN lớn, trọng điểm, cấp thiết; trong đó có dự án thép Hòa Phát tại KKT Dung Quất. Bên cạnh đó, cần rà soát, ban hành chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí, nhằm giảm chi phí đầu vào phục vụ sản xuất, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics.
 
Ngoài ra, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm, xem xét, sớm giải quyết theo thẩm quyền về việc nâng hạn mức tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm giúp DN có vốn đầu tư duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động và đẩy mạnh xuất khẩu...
 
Bài, ảnh: P.DANH-T.NHỊ
 
 

.