Doanh nghiệp chế biến thủy sản: Lo thiếu nguyên liệu

08:04, 25/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu kho lạnh dự trữ, nên doanh nghiệp (DN) khó thu mua được nhiều nguyên liệu để dự trữ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thủy sản, mà còn khiến DN bị động nguồn nguyên liệu chế biến và xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 lắng xuống.
Nguy cơ thiếu nguyên liệu 
 
“Giá tôm thẻ trên cát hiện nay ổn định và có xu hướng tăng, nhưng vì có nhiều tin đồn là thị trường đóng cửa, DN không thu mua, khiến nhiều người nuôi tôm lo lắng, không triển khai vụ nuôi mới. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng người nuôi tôm vội vã bán tôm non”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH HTV Gallant Dachan (KCN Quảng Phú) cho biết. Với công suất chế biến mỗi năm trên 2.000 tấn tôm phi-lê, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... nên thông thường, sản lượng tôm nguyên liệu trong tỉnh không đáp ứng được nhu cầu thu mua của DN này.
 
Hơn nữa, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kéo theo đơn hàng xuất khẩu có gián đoạn và chậm, nhưng các đối tác của DN này vẫn duy trì đơn hàng, cộng với dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm “hậu dịch” sẽ tăng mạnh. Vì vậy, nguồn tôm nguyên liệu rất dễ bị thiếu hụt trong thời gian tới. 
 
Lo ngại dịch bệnh, cộng với tin đồn thị trường tiêu thụ tôm
Lo ngại dịch bệnh, cộng với tin đồn thị trường tiêu thụ tôm "đóng cửa", nên nhiều người dân không triển khai vụ nuôi mới.
 
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Chế biến thủy sản Tấn Thành (KCN Quảng Phú) cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đầu ra các mặt hàng thủy sản giá bán sụt giảm. Tuy nhiên, DN vẫn thu mua nguyên liệu để chế biến phục vụ thị trường nội địa, cũng như trữ lạnh “đón” thị trường xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 kết thúc. “Có điều, việc thu mua nguyên liệu hiện đang gặp rất nhiều rào cản, do tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh đều bị đầu nậu thâu tóm. Vì vậy, ngư dân bán hải sản với giá thấp, nhưng DN phải mua lại với giá cao”, đại diện lãnh đạo DN này cho hay.
 
Mong được gỡ khó
 
Theo phản ánh của các DN, dù đã tập trung ổn định sản xuất, hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế; cũng như nỗ lực đầu tư tối ưu hoá chuỗi sản xuất, xây dựng kho trữ lạnh để tăng sản lượng, giảm giá thành sản phẩm... Tuy nhiên, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, khiến đơn hàng xuất khẩu tồn đọng, còn nguồn nguyên liệu “tươi” thì tăng, trong khi kho lạnh để trữ hàng của nhiều DN bị đầy hoặc thiếu. Chính vì vậy, DN không thể thu mua được nhiều nguyên liệu, vừa ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và thu nhập của ngư dân; vừa khiến DN rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.
 
Để trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn, các DN thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản mong được Nhà nước và ngư dân, người nuôi trồng thủy sản chia sẻ, hỗ trợ. Theo đó, chính quyền địa phương và các đơn vị, ngành chuyên môn cần nắm bắt và cung cấp thông tin chính xác cho người dân, để bà con yên tâm tổ chức triển khai nuôi vụ mới, góp phần duy trì diện tích vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ DN tiếp cận và kết nối với ngư dân, nhằm thu mua được nguồn nguyên liệu hải sản tại các cảng cá, để vừa đảm bảo giá thu mua cho ngư dân, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, vừa giúp DN có đủ nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khi dịch Covid-19 lắng xuống.
DN mong được hỗ trợ đầu tư kho lạnh trữ hàng
 
Để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như kích cầu sản xuất, kinh doanh sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn, để DN đầu tư xây dựng kho lạnh dự trữ nguyên liệu; hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.