Nguy cơ xóa sổ vùng nguyên liệu mì vì bệnh khảm lá

10:03, 08/03/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Bệnh khảm lá đang tàn phá cây mì (sắn) với tốc độ lây lan nhanh và nghiêm trọng. Toàn tỉnh đã có hơn 2.426 ha mì bị nhiễm bệnh. Vùng nguyên liệu mì đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Tàn phá nghiêm trọng

Đứng trên ruộng mì, bà Phạm Thị Hoa, ở thôn Thôn Kim Thành Hạ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) bất lực khi chứng kiến diện tích mì hơn 10 sào mì mới trồng được 2 tháng của gia đình bị nhiễm bệnh khảm lá, còi cọc, cong queo khắp cả ruộng.

Bà Hoa đã phun thuốc mấy lần nhưng không khỏi, nhổ cây bệnh đem đi đốt thì cứ vài ngày ra đồng là thấy nhiều cây xung quanh phát bệnh. Không còn cách nào khác, bà Hoa nhổ bỏ cả ruộng mì.

“Cây mì là cây dễ trồng nhất, không thấy dịch bệnh gì, nhưng nay thì hư hết. Năm ngoái, bắt đầu phát bệnh giảm một nửa năng suất. Vụ này hơn 5 triệu đồng đầu tư thành công cốc. Mong nhà nước sớm tìm ra giống mì không bị bệnh để hỗ trợ cho dân” - bà Hoa buồn bã nói.
 
Nông dân nhổ bỏ mì bị bệnh khảm lá.
Mì non bị bệnh khảm lá còi cọc, nông dân phải nhổ bỏ.

Huyện Nghĩa Hành đã có hơn 115/800ha mì bị nhiễm bệnh. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nông dân đã mua thuốc đặc trị về phun trừ dịch bệnh cho mì nhưng không hiệu quả, đành phải nhổ bỏ để trồng cây khác.

Tại huyện Sơn Hà, nông dân cũng khốn đốn. Mấy nay, anh Đinh Văn Ren, ở thôn Tà Màu, xã Sơn Trung mất ăn mất ngủ vì 3 sào mì bị nhiễm bệnh. Vụ trước khi thu hoạch xong, anh đã đốt cây mì bệnh, cày xới, chọn hom giống không bị bệnh để trồng.

Anh Ren chia sẻ: “Vùng đất rẫy không trồng cây mì thì biết trồng cây gì? Đây là cây xóa đói giảm nghèo của dân miền núi, với tình hình này, đời sống của dân rất khó khăn”.

Huyện Sơn Hà là địa phương đầu tiên phát hiện có bệnh khảm lá mì xuất hiện gây hại chỉ vài ha mì ở xã Sơn Thành vào tháng 7/2019 nay đã lan ra 13/14 xã, thị trấn của huyện.
 
Diện tích mì bị nhiễm của huyện lên tới 2.047 ha, chiếm 34,8% diện tích mì của huyện. Ở các Sơn Cao, Sơn Hải, Sơn Trung, Sơn Bao 100% diện tích mì bị nhiễm. Bệnh phát sinh gây hại trên cây mì con đến mì 2,5 tháng tuổi, với tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 10 – 60%.
 
aa
Đây là vụ thứ 2, virus khảm lá gây hại trên cây mì.
 
Chưa tìm được giống mì kháng bệnh thay thế

Mới xuất hiện tại Quảng Ngãi, nhưng hiện nay bệnh virus khảm lá mì đang phát sinh, lây lan gây hại trên diện rộng ở các vùng mì của tỉnh. Vùng nguyên liệu mì đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ”.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.426 ha mì ở giai đoạn mới mọc đến 3 tháng tuổi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hại phổ biến từ 5 - 10%, nơi cao trên 60%. Các địa phương bị hại nặng như Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành…

Trước tình hình lây lan nhanh của bệnh, các huyện, thành phố đã triển khai các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, chưa hiệu quả, bệnh vẫn tiếp tục lây lan, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đây là loại bệnh mới, người dân còn lúng túng trong công tác phòng, trừ. Nhiều người vẫn còn dùng hom giống bị bệnh để trồng vụ mới; chưa biết cách phòng trừ bọ phấn, tác nhân truyền bệnh; chưa tiêu hủy ruộng mì bị bệnh để cắt nguồn lây lan cho vụ mùa tiếp theo.
 
a
Bệnh đang lây lan rất nhanh trên diện tích mì toàn tỉnh.

Dịch lây lan nhanh trên diện rộng, với diện tích nhiễm rất lớn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long kiến nghị tỉnh, nhất là Sở NN&PTNT hướng dẫn các giải pháp phòng trừ hiệu quả xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, phòng trừ bệnh.

Trong khi chưa tìm được giống kháng bệnh khảm lá thay thế, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh virus khảm lá mì cấp huyện để tập trung nguồn lực nhằm chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tại địa phương.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi không chỉ người dân mà cả cho cán bộ hiểu tác hại của loại bệnh này để công tác chỉ đạo phòng trừ bệnh cho đúng.

Về biện pháp xử lý, trước hết là phải nhổ bỏ cây mì trên diện tích bị nhiễm bệnh, tiến hành tiêu hủy; tổ chức trồng lại phải đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, tổ chức nhanh gọn trong tháng 3 để kịp thời vụ.

Sở cũng đề nghị Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tìm nguồn giống mì sạch bệnh cung ứng cho người trồng mì niên vụ 2020 và những năm tiếp theo.

“Hiện nay, chưa tìm ra được giống mì kháng bệnh virus khảm lá để thay thế cho các giống mì bị nhiễm bệnh. Vì thế, khuyến cáo nông dân không dùng hom giống ở diện tích mì nhiễm bệnh làm hom giống cho vụ mới mà  phải lấy hom giống ở những vùng không bị bệnh” - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải.

Bài, ảnh: C.P

 


.