Dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh

09:03, 20/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 2 tháng qua, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn,  nhưng cũng có nhiều hộ kinh doanh thì không thể “trụ vững”.
 
Doanh nghiệp giữ vững sản xuất
 
Tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thời điểm này, không khí lao động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Công nhân vào ca đúng giờ, các nhà xưởng vẫn vận hành đều đặn; xe vận tải hàng hóa nườm nượp ra vào cảng... Duy chỉ có một điều là tất cả công nhân, khách hàng giao dịch, làm việc tại đây phải thực hiện nghiêm ngặt quy định về các biện pháp y tế phòng, chống dịch Covid- 19... 
 
Tuy lo lắng về dịch, nhưng nhờ chủ động cập nhật kiến thức về tình hình dịch, nắm vững cách phòng dịch, nên tinh thần của các cán bộ, công nhân của nhà máy luôn ổn định. Theo thống kê của nhà máy, trong những ngày ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng lao động vào ca vẫn đảm bảo 100%; toàn bộ dây chuyền hoạt động ổn định. 
 
Công nhân Nhà máy may Vinatex Dung Quất được đo thân nhiệt trước khi vào ca. Ảnh: T.Nhị
Công nhân Nhà máy may Vinatex Dung Quất được đo thân nhiệt trước khi vào ca. Ảnh: T.Nhị
 
Tại Nhà máy may Vinatex Dung Quất, sáng 15.3, gần 800 công nhân nhà máy vào ca sản xuất bình thường, chỉ có 2 trường hợp nghỉ việc vì con ốm. Để phòng dịch cho bản thân, 100% công nhân đều đeo khẩu trang. Toàn bộ xe vào nhập và xuất hàng đều được phun khử trùng theo yêu cầu phòng dịch. Trong ngày, đã có hơn 3.000 sản phẩm quần tây chuẩn bị xuất sang Mỹ theo hợp đồng đã ký kết.
 
Hiện tại, nhà máy đảm bảo nguyên phụ liệu sản xuất, việc làm, thu nhập ổn định từ các đơn hàng đã ký với đối tác Mỹ cho công nhân đến hết tháng 6.2020. Lương bình quân các tháng đầu năm 2020 của công nhân đạt từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc Nhà máy may Vinatex Dung Quất Nguyễn Thanh An cho biết: "Ngoài áp dụng triệt để các biện pháp y tế, nhà máy còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân giữ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19. Cụ thể, tăng khẩu phần ăn cho công nhân; tuyệt đối không tăng ca; giải quyết cho nghỉ việc, nếu công nhân có triệu chứng suy giảm sức khỏe".
 
Thời gian qua, tại KKT Dung Quất và các KCN có thêm một số nhà máy đi vào hoạt động. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng khá, do hầu hết các mặt hàng của các DN lớn không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc...
 
Nhiều hộ kinh doanh cần được trợ lực
 
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ kinh doanh buôn bán ế ẩm, thậm chí đóng cửa, nên đã viết đơn xin tạm ngừng hoạt động, để không phát sinh tiền thuế phải nộp.
 
Bà Liên, một tiểu thương bán vải ở chợ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Buôn bán ở chợ đã mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy buôn bán ế ẩm đến vậy. Mọi chi phí, sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào việc buôn bán. Mỗi ngày mở cửa là phải tốn tiền điện, tiền vệ sinh, tiền phí... Đa số các tiểu thương ở chợ đều mong muốn được giảm tiền thuế để giảm bớt khó khăn.
 
Không riêng gì các tiểu thương ở chợ, nhiều hộ kinh doanh dọc các tuyến đường lớn ở khu vực TP.Quảng Ngãi, khu dân cư cũng rơi vào tình trạng ế ẩm không kém. Chị Phan Thị Loan, chuyên buôn bán giày dép, túi xách ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày tôi bán 10 - 15 đôi giày, túi xách, thì bây giờ chỉ bán được 1 - 3 đôi, thậm chí có nhiều hôm không bán được sản phẩm nào. Trong khi đó, tiền thuê nhà, điện nước, thuế đã tốn 10 triệu đồng/tháng. Tôi đang dự tính hết tháng này sẽ nghỉ bán, vì không thể cầm cự được nữa”.
 
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề kinh doanh, buôn bán, dịch vụ như du lịch, ăn uống, bán nước giải khát, vận chuyển, trường học... khiến các cơ sở gặp nhiều khó khăn.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã soạn thảo Nghị định gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Trong khi chờ Nghị định được ban hành, thì Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai việc thực hiện gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế vượt qua khó khăn.
 
Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt hộ kinh doanh xin ngừng hoạt động. Ghi nhận những khó khăn của hộ kinh doanh, trước mắt ngành thuế đã động viên họ cố gắng vượt qua khó khăn; đồng thời sẽ có sự rà soát, đánh giá và đề xuất để có sự hỗ trợ về thuế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
 
THANH NHỊ - HỒNG HOA
 
 
 

.