Dịch bệnh bùng phát, nông dân điêu đứng

09:03, 25/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hàng nghìn hécta lúa trà chính vụ đông xuân đang bị các loại dịch bệnh gây hại, đặc biệt là chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khiến nông dân các địa phương trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng trừ...
“Vụ đông xuân này, nông dân gặp quá nhiều khó khăn do dịch bệnh gây hại. Từ lúc gieo sạ đến lúc lúa làm đòng - trổ, thì chuột, ốc bươu vàng bùng phát, cắn phá dữ dội. Đến khi lúa ngậm sữa - trổ bông thì rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện, khiến chi phí phòng trừ dịch bệnh cao gấp đôi so với các vụ trước”, ông Huỳnh Văn Đạo, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết.
 
Từ lúc gieo sạ đến đầu tháng 3, chuột bùng phát và gây hại trên hầu hết các trà lúa. Mặc dù ông Đạo đã áp dụng nhiều biện pháp, từ việc đặt bã sinh học đến đặt bẫy, cắm hình nộm; thậm chí dùng hóa chất, nhưng chuột vẫn không giảm. Vì vậy, 3 sào lúa chỉ còn trơ gốc, nên ông Đạo xác định là mất mùa sớm! 
 
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý các đối tượng gây hại.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý các đối tượng gây hại.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chuột đã gây hại trên 2.500ha trà lúa chính. Nguyên nhân một phần vì điều kiện thời tiết thuận lợi, khiến chuột phát triển, nhanh tăng đàn; phần do chính quyền và người dân các địa phương chưa quan tâm thực hiện công tác diệt chuột ngay từ đầu vụ. Bởi khi triển khai công tác sản xuất vụ đông xuân, Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương tích cực triển khai và phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột, bảo vệ đồng ruộng, nhưng rất ít nơi thực hiện.
 
“Lẽ ra, việc đặt bã sinh học diệt chuột phải thực hiện trước khi tiến hành gieo sạ từ 15  -  20 ngày. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương, việc này thường tiến hành cùng lúc với gieo sạ, hoặc sau khi chuột xuất hiện gây hại, nên hiệu quả diệt chuột không cao”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết.
 
Cùng với chuột, từ giữa tháng 3 đến nay, trên 2.200ha lúa ở giai đoạn ngậm sữa - trổ cũng bị các đối tượng sâu bệnh, như: Rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt... xuất hiện và gây hại. Trong đó, gần 1.160ha bị nhiễm bệnh khô vằn; trên 450ha nhiễm bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông... “Đây là thời điểm quyết định năng suất và chất lượng lúa vụ đông xuân.
 
Trong khi đó, rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông là những đối tượng có cường độ gây hại lớn, mức độ lây lan nhanh. Nếu chính quyền và người dân các địa phương không chủ động ứng phó, thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phạm Bá cho biết.
 
Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, tránh lây lan ra diện rộng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chuyên môn tích cực tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng trừ; đồng thời đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng; vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại. Khi thấy mật độ trung bình của rầy nâu, rầy lưng trắng từ 2 - 3 con/dãnh lúa (khoảng 1.000 đến 2.000 con/m2), thì phải giữ nước trong ruộng lúa, kết hợp sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, như: Chess-50WG, Alika-247SC, Map Jono-700WP... để phun kỹ vào ổ rầy và phun trừ khoanh vùng, nhằm diệt trừ triệt để...
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.