Cửa hàng tạp hóa truyền thống gặp khó

08:03, 01/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, cửa hàng tạp hóa truyền thống đang gặp nhiều khó khăn trước sức ép cạnh tranh đến từ hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi ồ ạt mở khắp nơi.
Hơn 1 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) quyết định ngưng bán các mặt hàng như: Trứng gà, trứng vịt, bánh mì ngọt... bởi tình hình kinh doanh tại cửa hàng thường xuyên ế ẩm, khiến các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn ngày này bị hư hỏng, hết hạn sử dụng. 
 
Chính sách khuyến mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tại các cửa hàng tiện lợi đang tạo áp lực cạnh tranh cho cửa hàng tạp hóa truyền thống.  Ảnh: Ý THU
Chính sách khuyến mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tại các cửa hàng tiện lợi đang tạo áp lực cạnh tranh cho cửa hàng tạp hóa truyền thống. Ảnh: Ý THU
“So với mấy cửa hàng tiện lợi mới mở, thì các mặt hàng bày bán ở tạp hóa nhà tôi không thể nào đa dạng bằng. Khách hàng vì thế mà dần ít đi, kể cả khách quen. Những mặt hàng ngày trước tôi bán rất chạy là mắm, dầu ăn, bột giặt giờ cũng bán chậm hẳn, vì nhiều người thường đi siêu thị hoặc ra các cửa hàng tiện lợi mua sắm để được khuyến mãi, giảm giá”, bà Thanh ngậm ngùi.
 
Không riêng gì bà Thanh, nhiều cửa hàng tạp hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực TP.Quảng Ngãi đang đối mặt với làn sóng cạnh tranh đến từ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Đặc biệt là từ cuối năm 2019 đến nay, khi hàng loạt chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi của nhiều thương hiệu lớn đồng loạt mở tại hầu hết các tuyến phố chính trên địa bàn TP.Quảng Ngãi và trung tâm các huyện, khiến việc níu chân khách hàng của cửa hàng tạp hóa truyền thống ngày càng cam go. Bởi mô hình cửa hàng tiện lợi với đầy đủ các loại sản phẩm thiết yếu, cơ sở vật chất tiện nghi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt đã “ghi điểm” trong lòng người tiêu dùng.
 
“Trước đây, tôi thường ghé các cửa hàng tạp hóa, nhưng từ khi hệ thống cửa hàng tiện lợi của Vinmart mở ra, thì tôi ưu tiên ghé Vinmart hơn. Bởi hệ thống bán lẻ này thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá và khi mua hàng còn được tính lũy điểm để sau này quy đổi ra tiền mặt”, bà Lê Thị Thanh Thương, ở TP.Quảng Ngãi, chia sẻ.
 
Trước mức độ “phủ sóng” ngày càng nhiều của cửa hàng tiện lợi và xu hướng mua sắm đang chuyển dịch dần từ truyền thống sang các kênh phân phối hiện đại của người tiêu dùng buộc các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống phải thay đổi.
 
“Tôi vừa đầu tư hệ thống kệ và sắp xếp, chia lại hàng hóa theo từng khu cho khách hàng dễ dàng lựa chọn hơn khi ghé mua. Đồng thời, nhập thêm một ít nước mắm lọc, mắm cái cá cơm muối chua, bánh tráng nướng, ớt muối... những món dân dã, giá rẻ, nhưng không phải là hàng đại trà để thu hút khách hàng”, ông Trương Văn Bình, chủ cửa hàng tạp hóa tại thị trấn Mộ Đức, cho hay.
 
Trước bối cảnh siêu thị và các cửa hàng tiện lợi liên tục phát triển mạng lưới, việc đổi chiến lược kinh doanh, tạo sự chuyên nghiệp và chăm sóc khách hàng chu đáo là điều mà nhiều chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống cần phải nỗ lực thực hiện ngay từ bây giờ, để không bị mất đi ưu thế trên thị trường.
 
Ý THU
 
 
 

.