Phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ: Đừng đánh trống bỏ dùi

09:02, 24/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Được coi là nền tảng để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhưng đến nay, việc phát triển sản xuất phân bón hữu cơ còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do nông dân không quan tâm, doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà...
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhu cầu sử dụng phân bón các loại của cả nước ước trên 11 triệu tấn. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước gần 14 nghìn sản phẩm, trong khi phân bón hữu cơ chỉ trên 2.500 sản phẩm.
 
Mất cân đối giữa hữu cơ và vô cơ
 
Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài sẽ gây ô nhiễm, thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Trong khi đó, phân hữu cơ vừa đảm bảo sự phát triển của cây trồng, vừa cải tạo đất, nên được xem là “chìa khóa” để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.
 
Tuy nhiên, do tác động nhanh đến sự sinh trưởng của cây trồng, chủng loại đa dạng, cộng với giá bán thấp, nên phần lớn nông dân đều sử dụng phân bón vô cơ. Thậm chí lạm dụng và phụ thuộc vào loại phân này.  
 
Nhiều nông dân sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp vì tác dụng nhanh, giá thấp.
Nhiều nông dân sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp vì tác dụng nhanh, giá thấp.
 
“Từ trước đến giờ, mình sử dụng phân hóa học quen rồi. Với lại, phân hóa học nhiều loại, dễ mua, chứ phân vi sinh dùng tốn kém quá”, bà Đoàn Thị Thu Hà, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho biết. Chính vì vậy, dù biết phân bón vô cơ mang lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, môi trường, chất lượng nông sản, nhưng nông dân vẫn... sử dụng.
 
Trong khi đó, việc sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ chưa thực sự hấp dẫn DN và các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) Phạm Bá, sản xuất phân bón hữu cơ yêu cầu công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư cao, trong khi nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ căn cơ, nên DN chưa mạnh dạn tham gia. 
 
Cần giải pháp thúc đẩy
 
Ngành nông nghiệp và các DN cho rằng, người nông dân đang dần mất đi tập quán sử dụng phân bón hữu cơ. Trước kia, khi phân bón vô cơ chưa phổ biến, nông dân sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp, hoặc chất thải chăn nuôi, để phục vụ sản xuất. Nếu duy trì thói quen này, thì với trên 65 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn chất thải trồng trọt (từ sản xuất lúa, bắp, đậu và mía đường), cả nước sẽ sản xuất được 55 - 60 triệu tấn phân ủ hữu cơ, đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng.
 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc sản xuất phân bón (bao gồm cả tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc chất thải chăn nuôi) không khó. Cái khó là phải thay đổi thói quen chuyển từ phương thức canh tác nặng phân bón vô cơ, sang hữu cơ của nông dân.
 
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2020, cả nước sản xuất, tiêu thụ 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn phân bón hữu cơ, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, DN, các nhà khoa học và nông dân.
 
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng và thực thi chính sách theo hướng ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện đầu tư, kinh doanh cho các DN sản xuất và kinh doanh phát triển phân bón hữu cơ, qua việc sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước từ phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, rác thải, than bùn... nhằm nâng cao chất lượng nông sản, phục hồi dần hệ sinh thái và môi trường, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.
 
Quy định trong Luật
 
Chính sách về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4, Luật Trồng trọt 2018, có hiệu lực từ ngày 1.2.2020. Tuy nhiên đến nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng phân hữu cơ vẫn chưa được hoàn thiện; các cơ chế chính sách về tín dụng, đất đai, thuế... cũng chưa được cụ thể hóa.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.