Nước ngọt cho tàu cá: Vẫn là bài toán khó

09:02, 23/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt khi đi biển, hầu hết các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh đều phải mang theo nước ngọt từ đất liền. Tuy nhiên, do lượng nước mang theo còn hạn chế, nên ngư dân luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
 
Mỗi chuyến vươn khơi, ngoài nước ngọt sinh hoạt, mỗi tàu đều phải “kham” thêm rất nhiều vật tư, lương thực, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. Do vậy, để tiết kiệm diện tích chứa và giảm tải trọng tàu, hầu hết các chủ tàu đều phải hạn chế lượng nước ngọt mang theo. 
Một chủ tàu tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra bồn chứa nước ngọt trên tàu trước lúc vươn khơi.
Một chủ tàu tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra bồn chứa nước ngọt trên tàu trước lúc vươn khơi.
 
Theo chủ tàu Nguyễn Trọng Kim, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), mỗi chuyến biển kéo dài từ 10 - 15 ngày, tàu của ông chở theo khoảng 1.500 - 2.000 lít nước ngọt. Tính bình quân mỗi ngày, mỗi ngư dân chỉ sử dụng khoảng hơn 10 lít nước cho mọi hoạt động ăn uống, nấu nướng, tắm giặt...
 
Do lượng nước ngọt mang theo còn hạn chế, nên theo chia sẻ chung của nhiều ngư dân, khi đi biển, mỗi người đều tự giác sử dụng nước tiết kiệm. “Hầu hết anh em đều tắm bằng nước biển, rồi dội qua vài gáo nước ngọt. Các hoạt động khác mọi người đều cố gắng tiết kiệm nước hết sức có thể”, anh Nguyễn Phương Anh, ngư dân làm việc trên tàu lưới vây tại Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) chia sẻ.
 
Không chủ động được nguồn nước ngọt khi đi biển không chỉ khiến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của ngư dân gặp khó khăn, mà còn làm hạn chế hiệu quả đánh bắt thủy sản trên biển. “Vì lượng nước ngọt mang theo có hạn, nên khi gặp luồng cá, muốn ở lại đánh bắt thêm vài ngày; chúng tôi phải tìm cách liên lạc với các tàu cá khác để xin “viện trợ” nước uống. Nếu không có tàu nào đủ nước ngọt để chia sẻ, thì dù trúng luồng cá lớn đến mấy cũng đành bỏ cá mà chạy về bờ”, anh Huỳnh Ngọc, chủ một tàu ở Phổ Quang cho biết.
 
“Trước khi mua máy lọc nước, vào mỗi chuyến biển, tàu câu mực nhà tôi phải mang theo hơn 1.000 thùng nước loại 20 lít, nhưng nhiều chuyến dùng không đủ. Còn từ năm 2017 đến nay, sau khi bỏ ra 140 triệu đồng đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, với công suất lọc mỗi ngày lên đến hơn 500 lít nước; thì tàu không cần phải mang nước từ đất liền ra như trước đây. Diện tích chứa trên tàu cũng nhờ đó mà có thêm không gian cho anh em nghỉ ngơi, sinh hoạt, năng suất lao động cũng tăng lên đáng kể”.
 
Chủ tàu NGUYỄN TẤN SƠN, xã Bình Chánh (Bình Sơn)
 
Để giải quyết “bài toán” nước ngọt khi vươn khơi, những năm gần đây, trên thị trường đã xuất hiện các loại máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá. Từ năm 2015 đến nay, có khoảng 60 chủ tàu làm nghề câu mực xà xa bờ ở xã Bình Chánh (Bình Sơn)  trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt. Theo chia sẻ của ngư dân, việc đầu tư máy móc giúp họ chủ động hơn về nguồn nước ngọt và nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản.
 
Tuy nhiên, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mặn mà trang bị cho tàu. “Có nhiều nhà cung cấp đến giới thiệu về thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá. Tuy nhiên, phần vì loại máy này có giá thành cao (70 - 150 triệu đồng), phần vì chúng tôi không biết loại máy nào thực sự đảm bảo chất lượng, nên thành viên của HTX đều lựa chọn giải pháp mua nước đóng chai mang lên tàu, chứ chưa có tàu nào lắp đặt thiết bị lọc nước”, Giám đốc HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang Thái Văn Thi cho biết.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 

.