Thiếu nguyên liệu: Doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp khó

09:12, 05/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh ta ước đạt trên 15,4 triệu USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản của tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguyên liệu...
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của các DN là hải sản đông và tôm đông lạnh; trong đó, mặt hàng thủy sản chế biến ước đạt 8.783 tấn, tăng 2,2%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Châu Âu (EU), Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông và Trung Quốc...
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của “thẻ vàng”, nên các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU bị kiểm tra với tần suất gần 100%, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa kéo dài từ 10 - 20 ngày/lô hàng, nên chi phí tăng 15 - 20%. Không những vậy, một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng dựng hàng rào kỹ thuật, nên việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường này ngày càng khó khăn hơn. 
 
Khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, một số DN liên kết tiêu thụ và đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu tương ứng với nguồn nguyên liệu sẵn có.
Khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, một số DN liên kết tiêu thụ và đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu tương ứng với nguồn nguyên liệu sẵn có.
Cùng với “thẻ vàng” thủy sản, các DN chế biến xuất khẩu thủy sản hiện đang đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu, nhất là dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Như Công ty TNHH HTV Gallant Dachan - DN FDI duy nhất trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, hiện đang chật vật vì thiếu nguồn nguyên liệu. Với công suất chế biến mỗi năm trên 2.000 tấn tôm fillet, xuất khẩu trực tiếp sang thịt trường các nước Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản... 
 
Nhưng những năm gần đây, dịch bệnh gây hại, cộng với giá tôm nguyên liệu bấp bênh, nên người nuôi “treo hồ”, kéo theo sản lượng tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm. Điều này khiến các DN chế biến tôm xuất khẩu cạnh tranh nguồn nguyên liệu, nên từ tháng 9 đến nay, giá tôm liên tục tăng. Nếu như trong tháng 9, giá tôm nguyên liệu dao động 80 - 90 nghìn đồng/kg, thì nay đã tăng lên 110 - 120 nghìn đồng/kg.
 
“Nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá thu mua cao, nên DN phải tổ chức thu gom từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Điều này khiến DN bị động trong sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH HTV Gallant Dachan cho biết.
 
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, sản lượng thủy sản khai thác 10 tháng năm 2019 đạt gần 125 nghìn tấn. Riêng sản lượng thủy sản nuôi, năm 2019 đạt trên 7.400 tấn, tăng 188 tấn so với năm 2018, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các DN chế biến thủy sản. Để khắc phục tình trạng này, một số DN chế biến đã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đầu ra cho các sản phẩm thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
“Ngoài sản phẩm chính là tôm đông lạnh xuất khẩu, sắp đến DN sẽ đầu tư chế biến thêm một số mặt hàng thủy sản khác để đa dạng hóa sản phẩm; liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh khâu tiêu thụ, chú trọng phục vụ thị trường nội địa”, đại diện lãnh đạo Công ty CP Tiến Thành (KCN Quảng Phú)cho biết.
 
Cần đồng hành với DN chế biến thủy sản xuất khẩu
 
Các ngành chức năng của tỉnh cần nỗ lực triển khai các giải pháp để cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC, đồng thời tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các DN tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, nghiên cứu thị trường, phân tích các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm... để tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng, phù hợp với từng thị trường. Các DN cần đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản hiện có và xây dựng mới các nhà máy, đảm bảo đến năm 2020, tổng công suất chế biến thủy sản của tỉnh đạt 30.000 tấn/năm, sản lượng thủy sản chế biến khoảng 23.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD.
 
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 
 

.