Hướng dẫn tiêu hủy heo bị dịch tả heo Châu Phi: Còn nhiều bất cập

09:12, 09/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, người chăn nuôi có heo bị dịch tả heo Châu Phi (ASF) được giữ lại số heo khỏe mạnh trong cùng ô chuồng với heo mắc bệnh. Đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, quy định này đang khiến cho việc khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp khó.
"Còn nước còn tát"
 
Trước đây, chỉ cần phát hiện có heo trong đàn dương tính với ASF, thì cơ quan chức năng đều tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo ấy. Nhưng khi dịch ASF bùng phát và lây lan nhanh, số hộ chăn nuôi và quy mô các đàn heo mắc bệnh ngày một lớn, nên cuối tháng 7.2019, Bộ NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống ASF.
 
Theo đó, việc tiêu hủy đàn heo chỉ được thực hiện đối với heo đã chết, heo bệnh, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với ASF. Còn với heo khỏe mạnh, các hộ, trang trại chăn nuôi được phép giữ lại, để nuôi hoặc giết mổ. 
 
Thực hiện “heo chết, heo bệnh do ASF tới đâu tiêu hủy tới đó” sẽ tốn kém công sức và chi phí.
Thực hiện “heo chết, heo bệnh do ASF tới đâu tiêu hủy tới đó” sẽ tốn kém công sức và chi phí.
 
Xét về điều kiện kinh tế, điều này là phù hợp. Bởi việc tiêu hủy toàn bộ đàn heo, cả heo bệnh, lẫn heo khỏe mạnh sẽ tác động xấu đến lĩnh vực chăn nuôi. Điều này không chỉ khiến nguồn cung thịt heo trên thị trường bị thiếu hụt, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, do lượng heo tiêu hủy quá lớn.
 
Bên cạnh đó, việc chỉ tiêu hủy heo bệnh, heo chết có thể giúp người chăn nuôi hạn chế thiệt hại. Nhất là ở thời điểm này, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã vượt ngưỡng 70 nghìn đồng/kg, trong khi giá hỗ trợ tiêu hủy chỉ 25 - 28 nghìn đồng/kg.
 
Quy định chưa phù hợp
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ cho biết: Sau hơn 3 tháng triển khai, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT đang gây khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh ASF. Quy định trên không chỉ “vênh” giữa phương pháp xử lý heo khỏe mạnh, heo nuôi tại nông hộ và trang trại, mà còn “làm khó” các địa phương. Bởi hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa có quy định cụ thể về quy mô đàn heo, để phân biệt giữa nông hộ và trang trại, mà chỉ quy định tổng thu nhập đạt 1 tỷ đồng trở lên sẽ được xếp vào quy mô trang trại. 
 
Trong khi đó, ở các địa phương, việc xác định trang trại hay nông hộ là do các ngành liên quan linh động tính toán, chứ chưa có quy định cụ thể về quy mô đàn heo. Như trên địa bàn tỉnh, có 34 trang trại, nhưng điểm “nhận dạng” của 34 trang trại heo này là quy mô đàn lớn, từ 500 - 1.000 con trở lên, chứ không phải là tổng thu nhập!
 
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, khi phát hiện 1 con heo của hộ A dương tính, hoặc chết vì mắc bệnh ASF, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tiêu hủy 1 lần toàn bộ số heo có trong ô chuồng. Nhưng giờ thì heo chết, heo bệnh tới đâu, mới tiêu hủy tới đó, nên có trường hợp, một đàn 20 con heo phải tổ chức tiêu hủy nhiều lần.
 
Trong khi đó, phí xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ASF lên đến 522 nghìn đồng/mẫu. Cộng với “thủ tục” tiêu hủy heo bệnh ASF là phải thành lập Hội đồng tiêu hủy, gồm 7 - 8 người, đại diện cho các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi. Điều này đã gây tốn kém công sức và tiền bạc.
 
Ngoài ra, giá heo hơi hiện đang rất cao, nên khi phát hiện 1 - 2 con heo chết, hộ chăn nuôi không thông báo với chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, mà tự ý chôn lấp, sau đó bán số heo còn lại trong ô chuồng. Điều này dễ khiến dịch ASF lây lan và bùng phát.
 
Dịch bệnh ASF đang diễn biến khó lường
 
Đến thời điểm này, 15 xã, phường của 8 huyện, thành phố trong tỉnh có dịch đã qua 30 ngày, nhưng phát sinh lại dịch bệnh. Dịch ASF xuất hiện từ tháng 5.2019 và đã xảy ra ở 13/14 huyện, thành phố (trừ huyện Lý Sơn). Tổng heo mắc bệnh ASF bị tiêu hủy là gần 33 nghìn con. Hiện đã có 7 xã của 3 huyện, gồm: Ba Tơ, Sơn Tây, Minh Long là dịch hoàn toàn đã qua 30 ngày và 43 xã của 9 huyện, thành phố là dịch đã qua 30 ngày, chưa phát sinh lại.   
 
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.