Tàu giã cào chuyển nghề: Tín hiệu vui

09:11, 06/11/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Nghề giã cào (lưới kéo) đang bị “siết chặt” quản lý và khó khăn vì kham hiếm lao động, thời gian gần đây, nhiều chủ tàu ở xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) đã chủ động chuyển sang nghề câu. Đây là nghề khai thác mở ra lối đi mới cho nghề giã cào.
 
Nghề triển vọng

Sau hơn 4 tháng chuyển từ nghề giã cào sang nghề câu, chủ tàu Lê Đình Trung, ở thôn Tân An, xã Nghĩa An vui mừng cho biết: “Nghề câu vừa đỡ tổn lao động vừa đỡ tổn dầu mà còn có thêm khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước giúp trang trải phần nào để ngư dân yên tâm ra khơi hơn nghề giã cào”.

Là một trong số ít ngư dân tiên phong chuyền từ nghề giã cào sang hành nghề câu lồng xâm hay còn gọi là nghề câu cá “giấu đầu lòi đuôi”, ông Trung đã đầu tư gần 250 triệu đồng để mua ngư cụ chuyển nghề.

Hai chiếc tàu có tổng công suất gần 1.400CV của ông Trung đã ra khơi được 4 chuyến kể từ tháng 6.2019 đến nay. Một chiếc tàu đi câu của ông Trung chỉ cần 5 - 6 người lao động.

Một phiên ra khơi thường là 12-17 ngày ngày, tàu thu về từ 200 đến hơn 300 triệu đồng, trừ phí tổn còn khoảng 180 triệu đồng trở lên. Một người đi bạn kiếm được từ 7 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng. Hơn nữa ngư dân còn được hỗ trợ tiền dầu theo Nghị định 48 nên nghề này cho ngư dân nguồn thu nhập cao hơn nghề giã cào.
 
Tàu hành nghề giã cào của ông Trung đã tháo ngư cụ để chuyển sang nghề câu.
Tàu hành nghề giã cào của ông Trung chuyển sang nghề câu

“Tàu ra khơi neo đậu rồi thả câu chứ không chạy suốt như nghề giã cào. Phí tổn cho mỗi chuyến biển thấp hơn tàu giã cò vì ít lao động, ít tiền dầu. Trong khi đó, hiệu quả đánh bắt của nghề này lại cao hơn” - ông Trung chia sẻ.

Cá "giấu đầu lòi đuôi" là loại cá giống lươn biển. Đây là một loại đặc sản đặc biệt, giá bán khá cao. Nhờ hiệu quả đánh bắt cao hơn, nên trong khi nhiều tàu khác phải nằm bờ vì không có lao động đi biển thì tàu của ông Trung nhẹ nỗi lo này.

Hướng đi mới cho tàu giã cào

Trước khi chuyển sang nghề câu, ông Trung cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng với số tiền lên đến 4,1 tỷ đồng. Từ tháng 3.2019 đến nay, ông chưa trả được đồng nào nợ gốc cho ngân hàng.

Không thể khoanh tay đứng nhìn 2 chiếc tàu là cả gia tài của mình nằm bờ rồi hư hỏng nên ông quyết tâm chuyển nghề. Theo ông Trung, không quá khó để chuyển từ nghề giã cào sang nghề câu. Nếu chưa có kinh nghiệm, chủ tàu có thể thuê người đã có kinh nghiệm đi cùng.
 
a
Ngư cụ hành nghề giã cào ông Trung tháo mang về cất giữ.

Từ hiệu quả mà nghề câu mang lại, bà Nguyễn Thị Ninh, hàng xóm của ông Trung cũng quyết định vay mượn đầu tư kéo 2 tàu giã cào nằm bờ cả 1 năm nay lên làm nước và sắm ngư cụ để chuẩn bị ra khơi hành nghề câu.

Bà Ninh cho biết, trị giá 2 chiếc tàu của bà là 10 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều năm liền làm ăn thua lỗ, bị người đi bạn mượn tiền rồi bỏ trốn, không có bạn nên tàu đành nằm bờ, nợ nần chồng chất, mất khả năng chi trả.

Theo bà Ninh, tàu giã cào sử dụng rất lớn lượng lao động, thường là 20 người/cặp tàu, trong khi đó nghề câu, mỗi tàu chỉ cần 5 - 6 lao động. Vì thế khi chuyển sang nghề câu là giải được bài toán áp lực lao động đi biển cho chủ tàu. Ngư cụ nghề câu cũng đơn giản hơn khá nhiều so với nghề giã cào.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Bà Võ Thị Lệ Thu cho biết, trước khó khăn của nghề giã cào, địa phương đã định hướng cho ngư dân nếu có vốn và kinh nghiệm thì nên sớm chuyển nghề để sớm gỡ khó cho nghề giã cào.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn, đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, định hướng đến năm 2020, tỷ lệ tàu hành nghề lưới kéo giảm xuống còn 15% và đến năm 2025 giảm xuống dưới 10%, trong khi đó Quảng Ngãi hiện có tới 33,3% tàu.

Chi cục đã liên tục tuyên truyền, vận động, phân tích về mặt nguồn lợi để ngư dân hiểu để giảm dần nghề lưới kéo chuyển sang các nghề khác. Tín hiệu đáng mừng là trong khi chờ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đã có nhiều chủ tàu tự bỏ tiền đầu tư để chuyển đổi sang nghề câu, nghề vây.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.