Hiệu quả từ cây trồng ngắn ngày

02:11, 03/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, nông dân các xã Bình Hòa, Bình Phước (Bình Sơn), Đức Phong (Mộ Đức) đã phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu từ cây trồng ngắn ngày như nén, kiệu, cà pháo... Đây không chỉ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn là sản phẩm được các địa phương chọn để mở rộng thị trường tiêu thụ.
TIN LIÊN QUAN

Thay dần cho cây trồng dài ngày

Đến nay đã là năm thứ 7, chị Nguyễn Thị Bích, thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức), duy trì sản xuất cây nén. Điều mà chị Bích cũng như nhiều người dân trong thôn quan tâm là những loại cây trồng ngắn ngày như nén, kiệu đã dần thay thế cho cây mía, mì bao đời đã gắn bó với họ. Lý giải điều này, chị Bích cho biết: “Cây nén, kiệu từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất hơn 3 tháng, chi phí đầu tư ít, nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Từ ngày tôi trồng nén, chưa bao giờ lỗ vốn, hoặc thất thu”.

Ở thôn Lâm Thượng, mỗi hộ dân trồng ít nhất là một sào nén hoặc kiệu. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, hiệu quả mà hai loại cây trồng này mang lại có thể "gánh" được kinh tế cả năm của gia đình khi họ trồng những loại cây khác. Lão nông Lê Qua, người đã có nhiều năm gắn bó với cây nén, cây kiệu chia sẻ: “Tôi bỏ vốn để mua giống cũng chỉ tầm vài triệu đồng, nhưng vài tháng sau thu nhập gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp năm lần”.
Nhiều hộ dân ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) kỳ vọng vào vụ cà pháo bội thu.
Nhiều hộ dân ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) kỳ vọng vào vụ cà pháo bội thu.

Ở xã Bình Hòa (Bình Sơn), những năm gần đây, cây cà pháo cũng dần thay thế một số loại cây trồng dài ngày khác. Vì là cây dễ trồng, cho thu nhập cao, nên người dân nơi đây đã chọn cây cà pháo để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Võ Thị Bình, thôn 3, xã Bình Hòa cho biết: “Một năm trồng được hai đến ba vụ cà, những tháng mùa mưa thì mình trồng loại cây khác, vì cà pháo không chịu được ngập úng. Cây cà có thể thu hoạch thường xuyên trong nhiều ngày. Ba năm trở lại đây, giá cà pháo duy trì ổn định ở mức từ 5 - 8 nghìn đồng/kg, nên ai trồng cà pháo cũng có thu nhập khá”.

Hình thành vùng chuyên canh

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá bỏ các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được người dân nhân rộng tại nhiều địa phương và hình thành nên những vùng chuyên canh, giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Mặt khác, từ những mô hình trồng trọt, sản xuất hiệu quả này, các địa phương đã lên phương án tổ chức sản xuất ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng để cung ứng ra thị trường, đồng thời tạo ra sản phẩm riêng của từng địa phương.

Người dân thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức) thu hoạch nén.
Người dân thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong (Mộ Đức) thu hoạch nén.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé, hiện cây nén, kiệu được nông dân sản xuất tập trung tại thôn Lâm Thượng. đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời là sản phẩm đặc trưng, nên địa phương đã chọn nén, kiệu là sản phẩm riêng để quảng bá. Thời gian đến, địa phương sẽ tiến hành triển khai việc sản xuất hai loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Đến nay, diện tích trồng cà pháo ở xã Bình Hòa chỉ chiếm 20 - 30% và chưa phải là cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này khá cao. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phan Nuôi cho biết: “Gần 3 năm trở lại đây, giá cà pháo luôn ở mức ổn định và ít khi rớt giá, nên người dân có thu nhập đều đặn. Bên cạnh đó, họ trồng cây này theo kiểu tập trung, hình thành vùng chuyên canh, với nhiều phương pháp canh tác mới, nên năng suất đạt cao. Chính quyền cũng khuyến khích, động viên người dân làm giàu từ cây trồng ngắn ngày này”.

Bài, ảnh: HOÀI BIỆT



 

.