Giải phóng mặt bằng Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1:
Người dân cần đồng thuận

08:11, 14/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã 3 năm trôi qua, với nhiều lần gia hạn, nhưng đến nay Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành. Tai nạn trên tuyến liên tục xảy ra dẫn đến chết người. Để sớm hoàn thành dự án, phương án được thực thi đối với nhóm hộ chưa bàn giao mặt bằng là cưỡng chế.
Liên tục xảy ra tai nạn
 
Tuyến Quốc lộ 1 đoạn Tịnh Phong - Dốc Sỏi trước đây là "nút thắt cổ chai", nên tai nạn giao thông liên tục xảy ra, khiến người dân lo lắng. Vì thế, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường đã nhận được sự đồng thuận rất lớn trong nhân dân. Tuy nhiên, vì vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, nên dự án kéo dài, tạo nên những "cái bẫy" tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). 
Huyện Bình Sơn mong muốn nhận được sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
Huyện Bình Sơn mong muốn nhận được sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Sơn, trong 3 năm qua, hoạt động giao thông trên tuyến rất khó khăn. Riêng từ ngày 16.11.2017 đến 15.9.2019, trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Sơn (gần 19km) xảy ra 42 vụ TNGT, làm 31 người chết, 32 người bị thương.
 
Hiện trường các vụ tai nạn cho thấy do nền đường chưa thi công hoàn thành, một số vị trí bị “thắt cố chai” khiến cho làn đường dành cho xe mô tô, cơ giới quá hẹp, dẫn đến tai nạn.
 
Một hộ dân ở xã Bình Hiệp bức xúc: “Do đường thi công dang dở, nên tai nạn thường xảy ra. Mỗi lần chạy xe máy trên đường mà nơm nớp lo sợ. Phía sau mà có xe tải chạy là tôi tấp xe vô lề chứ không dám đi tiếp. Chỉ mong tuyến đường sớm hoàn thành, chứ để tình cảnh như hiện nay thì người dân sợ lắm”.
 
Cần sự đồng thuận từ người dân
 
Nguyên nhân dẫn đến Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 kéo dài là do vướng mặt bằng. Lãnh đạo một nhà thầu cho biết, nếu có mặt bằng thì công trình đã hoàn thành cách đây hơn 1 năm rồi, chứ không phải thi công dang dở như hiện nay.
 
Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết: Sau nhiều lần gia hạn, đến cuối tháng 12.2019 là thời hạn cuối cùng để hoàn thành dự án, nếu không Bộ GTVT sẽ thu vốn. Chỉ cần bàn giao mặt bằng, chúng tôi sẽ tổ chức thi công ngay và hoàn thành dự án đúng cam kết với Bộ GTVT.
 
Trước những tồn tại về mặt bằng do người dân không chấp thuận mức giá bồi thường, vừa qua UBND huyện Bình Sơn đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với 23 trường hợp trên tuyến và sẽ hoàn thành việc này trong tháng 11.2019.
 
Ngày 6.11, trường hợp đầu tiên được lệnh cưỡng chế là hộ gia đình bà Phạm Thị Thúy Hạnh (vợ ông Nguyễn Tấn Minh). Tuy nhiên, bà Hạnh đã chủ động gặp lãnh đạo huyện Bình Sơn xin dừng việc cưỡng chế để gia đình tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, cây cối, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
 
Theo bà Hạnh, bà chấp nhận bàn giao mặt bằng vì không muốn nhìn thấy tai nạn xảy ra trên tuyến. Dù vậy, bà chỉ bàn giao mặt bằng, chứ chưa nhận tiền bồi thường, vì đơn giá chưa thỏa đáng. 
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm cho biết: Huyện đang tập trung tuyên truyền để người dân bàn giao mặt bằng. Những hộ nào chấp hành trước thời hạn cưỡng chế sẽ được xem xét cho tự tháo dỡ.
 
“Việc cưỡng chế là phương án cuối cùng, huyện không muốn làm điều này, nhưng vì mục tiêu dự án, vì sự an toàn của hàng nghìn người dân tham gia giao thông trên tuyến mỗi ngày nên huyện sẽ cương quyết thực hiện. Để công tác GPMB diễn ra thuận lợi, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng thuận từ người dân”, ông Khiêm bày tỏ.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.