Tín dụng chính sách: Còn nhiều bất cập

09:10, 03/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp cho hàng nghìn hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, so với trước đây, chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên... có xu hướng giảm dư nợ, cũng như đối tượng vay mới. Trong khi đó, nhiều chương trình có nhu cầu vay lớn, nguồn vốn lại không đủ.
TIN LIÊN QUAN

Nhu cầu vay phát triển kinh tế tăng

Huyện Nghĩa Hành đã về đích nông thôn mới, nên số hộ nghèo trên địa bàn huyện không còn nhiều. Vì vậy, việc cho vay đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều.

Bên cạnh chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành đã dành nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho những hộ còn khó khăn, nhưng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do nguồn vốn này còn “eo hẹp”, nên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Người dân làng nghề bánh tráng Hành Trung (Nghĩa Hành) rất cần nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Người dân làng nghề bánh tráng Hành Trung (Nghĩa Hành) rất cần nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha cho biết: Nghĩa Hành là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, có dự án trồng cây ăn quả lớn của tỉnh. Để tạo điều kiện cho người dân, từ năm 2017 đến nay, Phòng Giao dịch đã tập trung và ưu tiên nguồn vốn giải quyết việc làm cho những hộ có mô hình kinh tế về trồng cây ăn quả. Song, so với nhu cầu thì nguồn vốn này vẫn chưa nhiều”.

Theo lộ trình, cuối năm 2019, huyện Tư Nghĩa cũng sẽ về đích nông thôn mới. Vì vậy, chắc chắn nguồn vốn dành cho hộ nghèo sẽ tiếp tục giảm dư nợ. Trong khi đó, Tư Nghĩa cũng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Đặc biệt, nhu cầu vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp của hàng trăm lao động ở các lò gạch thủ công là rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) chia sẻ: “Mong ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để tôi chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, trang trải cuộc sống”.

Bất cập chính sách cho vay sửa chữa, xây nhà

Bên cạnh các nguồn vốn cho vay phát triển sinh kế, các nguồn vốn cho vay xây dựng nhà ở theo Quyết định 33, Quyết định 48; Nghị định 100 của Chính phủ cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như huyện Mộ Đức, năm 2019, chỉ tiêu giao giải ngân 10 hộ, với số tiền 250 triệu đồng. Song đến nay vẫn chưa thể giải ngân. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mộ Đức Nguyễn Minh Nở cho biết: “Với số tiền vay 25 triệu đồng, nếu không có nguồn hỗ trợ khác thì không thể xây nhà được”.

Theo đề án ban đầu, toàn tỉnh có 6.120 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện tại theo Quyết định 33 của Chính phủ. Việc cho vay được triển khai theo từng giai đoạn từ năm 2016 - 2020, với tổng số vốn trên 294 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai cho vay, đến nay, tổng dư nợ từ chương trình này mới đạt gần 36 tỷ đồng, với khoảng 1.500 khách hàng còn dư nợ.

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, đối với nguồn vốn dôi ra của chương trình cho vay hộ nghèo, Ngân hàng CSXH đã linh hoạt chuyển sang cho vay đối tượng hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, từ tháng 3.2019, Chính phủ đã nâng hạn mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, từ mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, tăng lên 100 triệu đồng/hộ.

Do đó, dù giảm số hộ vay, nhưng doanh số cho vay vẫn tăng. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với các hội, đoàn thể xét duyệt cho vay đối với các tổ hợp tác có mô hình kinh tế hay, hiệu quả, nhằm hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế.


       Bài, ảnh: HỒNG HOA


 

.