Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

03:10, 12/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi) - “Qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát hiện nhiều mô hình hiệu quả, tạo sức lan tỏa và đã được nhân rộng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đinh Duy Sung khẳng định.
TIN LIÊN QUAN

Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp hội, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập.
 
Đơn cử như mô hình nuôi heo sạch ở Hợp tác xã Tân Hòa Phú, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành). Sau khi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống, thức ăn và hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, xã viên HTX Tân Hòa Phú đã mạnh dạn tham gia.
 
Bên cạnh việc tuân thủ các yêu cầu về chuồng trại, vệ sinh môi trường, thì xã viên phải cam kết thực hiện “3 không” trong quá trình chăn nuôi. Đó là: Không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng.
 
“Không chỉ giúp sản phẩm thịt heo được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, tạo thu nhập ổn định cho xã viên, mà phương pháp chăn nuôi này còn góp phần duy trì và cải tạo giống heo địa phương”, Giám đốc HTX Tân Hòa Phú Lê Quang Trung cho biết.
 
Mô hình canh tác “nói không” với phân hoá học và thuốc BVTV vừa giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Mô hình canh tác “nói không” với phân hoá học và thuốc BVTV vừa giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Hay như mô hình sản xuất rau sạch ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Song song với việc ứng dụng kỹ thuật xen canh và luân canh, nông dân đã hạn chế, thậm chí nhiều hộ đã “nói không” với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
 
Điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
 
“Dùng phân, thuốc vi sinh, không dùng thuốc diệt cỏ, nên chi phí sản xuất tăng 10 - 15%. Dù vậy, nhờ thâm canh, xen canh hợp lý, giá bán ổn định, nên hiệu quả tăng 25 - 30% so với cách sản xuất rau truyền thống”, bà Lê Thị Tuyết, thôn Nghĩa Lập cho hay.

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, việc mạnh dạn thay đổi phương thức và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất không chỉ giúp hàng nghìn nông dân đạt thu nhập cao (đạt từ 300 - 500 triệu đồng/năm); mà còn góp phần tăng giá trị sau thu hoạch các loại cây trồng ngắn ngày từ 48 triệu đồng/ha (năm 2013) lên trên 73 triệu đồng/ha (năm 2018); năng suất vật nuôi tăng bình quân 1,4 lần/năm...

Để tiếp tục lan tỏa sâu rộng phong trào nông dân SXKDG, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất mới, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Trong đó, chú trọng công tác liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo tiền đề để triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG

.