Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp: Còn nhiều việc phải làm

10:09, 13/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nông nghiệp công nghệ 4.0 là sự phát triển của nền nông nghiệp mang tính bền vững, với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và bảo vệ được môi trường, trên cơ sở dựa vào tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số. Sự phát triển của nông nghiệp công nghệ 4.0 là đòi hỏi tất yếu trong điều kiện biến đổi khí hậu, cũng như nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng lên cả về chất và lượng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi hiện tại còn mang tính truyền thống, nặng về kinh nghiệm hơn là công nghệ. Vì vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ mới “làm quen”, chứ chưa ứng dụng công nghệ 4.0 một cách hoàn chỉnh...

TIN LIÊN QUAN

 Được xác định là đối tượng cần được ứng dụng công nghệ, nhưng vì chậm dồn điền đổi thửa, nên việc sản xuất lúa chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm.
Được xác định là đối tượng cần được ứng dụng công nghệ, nhưng vì chậm dồn điền đổi thửa, nên việc sản xuất lúa chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương: “Cần hình thành vùng “hạt nhân” nông nghiệp công nghệ 4.0”.

Nền nông nghiệp của tỉnh đang đối mặt với 4 vấn đề. Đó là: Sản xuất nhỏ lẻ, không theo chuỗi; cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ; mức độ cơ giới hóa thấp; phát triển theo số lượng và chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung, không kiểm soát được chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dẫn đến chi phí sản xuất cao nhưng giá trị cạnh tranh thấp. Vì vậy, để ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, trước hết cần tập trung đầu tư nguồn lực, để xây dựng vùng “hạt nhân”. Từ đó sẽ lựa chọn, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc thù, tập quán canh tác của người dân... từng vùng, địa phương.

Ngoài ra, một trong những điều kiện quan trọng để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chính là dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tích tụ ruộng đất. Có DĐĐT mới hình thành được những vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa các khâu từ sản xuất đến thu hoạch. Điều này không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và đảm bảo độ đồng nhất về chất lượng, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; mà còn thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư, hình thành chuỗi liên kết. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh chưa thực sự được quan tâm, nguồn lực đầu tư hạn chế, nên các địa phương “ngại” triển khai thực hiện.

Mặt khác, cần đổi mới tư duy cho thị trường theo hướng “lấy thị trường làm thước đo mục tiêu phát triển sản phẩm, quy hoạch thị trường cho từng loại nông sản”. Như thị trường sản phẩm chăn nuôi, chỉ cần chọn 1-2 loại sản phẩm chủ lực, được sản xuất từ các giống bản địa, để phục vụ xuất khẩu; còn nhiệm vụ giải quyết nhu cầu thực phẩm đại trà và nâng cao tỷ trọng thì sử dụng các loại giống lai.

Thạc sĩ Vũ Văn Khuê, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ: “Chọn đúng sản phẩm, đầu tư đúng đối tượng”

Lựa chọn đúng sản phẩm, để nghiên cứu quy trình và đầu tư chuyển giao công nghệ vào sản xuất phù hợp. Từ đó, tạo ra những sản phẩm khác biệt và đồng nhất về chất lượng, mẫu mã, góp phần tăng hiệu quả và giá trị cạnh tranh. Đồng thời, giúp người dân và DN tránh tình trạng chạy theo những công nghệ chi phí đầu tư cao, nhưng không thiết thực, hiệu quả.


Để sản xuất được những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, cần phải tập trung đầu tư vào đối tượng mang tính đột phá, then chốt, đó là giống. Dù mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, nhưng người dân và DN cả nước nói chung, trên địa bàn Quảng Ngãi nói riêng chưa quan tâm phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân chính là do công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHKT sản xuất giống, cây trồng vật nuôi trong nước chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất. Vì vậy, nguồn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng hiện đang bị động, vì phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đã đến lúc phải quan tâm và đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở đó, cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xã hội hóa công tác làm giống trên nguyên tắc nhà nước giữ vai trò quản lý, DN phối hợp với nhà khoa học nghiên cứu và sản xuất, DN và nhân dân cùng triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu, lai tạo giống mới; đồng thời chú trọng công tác bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý trong nước...

Đại diện lãnh đạo Công ty CP Đại Thành, tỉnh Bắc Ninh: “Phải thay đổi mạnh mẽ tư duy làm nông nghiệp”

Đây là thời điểm mà lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, chuyển từ “lấy công làm lời” sang “vận dụng công nghệ”. Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp công nghệ 4.0, cần chuyển chủ thể từ nông hộ sang DN, cũng như tăng mức liên kết từ “4 nhà” lên “5 nhà”, gồm: Nhà nước, nhà DN, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng (ngân hàng).

Đồng thời, Nhà nước sớm thực hiện những quy định hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi của chính sách, cải cách môi trường đầu tư cũng như có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Bởi thực tế, suất đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cao hơn rất nhiều so với truyền thống, nên đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp rất thấp, chính sách tín dụng trong lĩnh vực này được ban hành rất nhiều, nhưng người dân và DN rất khó, thậm chí không tiếp cận được, vì điều kiện cho vay ngặt nghèo. Chính vì vậy, lĩnh vực nông nghiệp luôn trong tình trạng “đói” vốn.
 

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn: “Tạo kỹ năng số cho nông dân”

Huyện Mộ Đức là địa phương tiên phong trong việc kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao 4.0. Trong số 10 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay có 1 dự án ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và đang trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết tâm của Nhà nước, DN, thì nông dân cũng cần phải hợp tác và sẵn sàng thay đổi, để đối mặt với thách thức của cuộc cách mạng số. Nông nghiệp công nghệ 4.0 đòi hỏi sự đầu tư, ứng dụng các công nghệ và các thiết bị đã chứng minh hiệu quả đối với môi trường và xã hội vào sản xuất. Vì vậy, không chỉ DN, mà nông dân cũng phải tiếp cận, trang bị đầy đủ thông tin, kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.

Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc hoạch định chính sách phù hợp, Nhà nước và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đầu tư hoàn tất cơ sở vật chất nền tảng kỹ thuật số tại các vùng nông thôn. Mặt khác, Nhà nước cũng cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong việc sản xuất và chuyển giao công nghệ, nhằm thúc đẩy sáng tạo, nâng cao hiệu quả truyền tải dữ liệu ở mọi cấp độ. Bởi, nông nghiệp công nghệ 4.0 cần các tiêu chuẩn giao tiếp và giao diện hỗ trợ, phục vụ việc trao đổi dữ liệu cũng như nhu cầu tìm hiểu và nắm bắt thông tin cho người dân, DN và đối tác.

Chủ tịch UBND xã Hành Trung (Nghĩa Hành) Vũ Lê Vinh: “Hạn chế việc sản xuất phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật”

Với quan điểm “phân nhiều tốt cây, thuốc nhiều ít bệnh”, nên lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được nông dân sử dụng ngày càng nhiều.

Điều này không chỉ khiến năng suất và chất lượng cây trồng suy giảm, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân, do lượng chất thải và tồn dư hóa chất có hại lớn. Vì vậy, để chuyển thói quen sản xuất từ truyền thống sang công nghệ, bên cạnh công tác tuyên truyền người dân thay đổi thói quen sử dụng phân bón, thuốc BVTV, Nhà nước cần có chính sách nhất quán đối với việc sản xuất và sử dụng các mặt hàng này.

Trong đó cần hạn chế sản xuất các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV; đồng thời khuyến khích, ưu đãi các DN đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh.

M.HOA
(thực hiện)
 

.