Xóa bỏ lò gạch thủ công: Người dân loay hoay tìm việc làm

04:08, 10/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn một năm UBND tỉnh có quyết định, đến cuối tháng 7.2019 huyện Tư Nghĩa mới dừng được hoạt động đối với các lò gạch thủ công trên địa bàn. Tuy nhiên, do thiếu sự hỗ trợ về kinh phí, chuyển đổi nghề kịp thời, nên hàng trăm hộ dân trên địa bàn đang vất vả tìm việc làm mới.
TIN LIÊN QUAN

Xã Nghĩa Mỹ từng là “thủ phủ” của nghề làm gạch, ngói thủ công của huyện Tư Nghĩa. Các lò gạch đã tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân trong vùng và các xã lân cận. Nhưng do việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nên đến nay các lò gạch ở đây đã chính thức ngừng hoạt động.
Sau khi nghỉ việc ở các lò gạch, nhiều lao động nữ phải đi phụ hồ để mưu sinh.
Sau khi nghỉ việc ở các lò gạch, nhiều lao động nữ phải đi phụ hồ để mưu sinh.
Ông Mạc Khanh, ở thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, chúng tôi đã dỡ bỏ lò gạch. Tuy nhiên, đây là kế mưu sinh của gia đình và 20 lao động địa phương trong suốt hơn 20 năm nay, nhưng giờ lò phải "tắt lửa" nên cuộc sống trong thời gian đến sẽ gặp nhiều khó khăn, do không có việc làm".

"UBND huyện Tư Nghĩa đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để giúp người dân chuyển đổi nghề mới, nhằm sớm ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Trước mắt, huyện trích ngân sách hỗ trợ người dân tháo bỏ các lò gạch, tổ chức họp lấy ý kiến về nhu cầu việc làm, qua đó làm việc với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, các sở, ngành liên quan, cơ sở đào tạo nghề để giúp người dân vay vốn đầu tư làm ăn, chuyển đổi nghề nghiệp".

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa
LÊ TRUNG THÀNH

Chị Nguyễn Thị Thành, ở thị trấn Sông Vệ thì chia sẻ, gia đình chị đã gắn bó với lò gạch này hơn 16 năm rồi. Dẫu công việc nặng nhọc, nhưng đó là nơi mưu sinh của cả gia đình. Bây giờ buộc phải nghỉ, nhưng chị không sao tìm được việc làm mới.

Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh, ở thôn Mỹ Hòa thì khó khăn trăm bề. Chị có 3 đứa con, chồng mất sớm, nên mọi việc trong gia đình đều do chị gánh vác. Sau khi các lò gạch ngừng hoạt động, chị Hạnh phải đi làm phụ hồ để có tiền nuôi con.

Đa phần những lao động làm ở các lò gạch trước đây đều có tuổi đời từ 40 - 50 tuổi, nên khi chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, do các doanh nghiệp không tuyển dụng lao động ở độ tuổi này, trong khi nhiều gia đình còn phải nuôi con học đại học. Do vậy, nhiều người đành phải bám vào ruộng đồng, đi phụ hồ, hoặc ai thuê gì làm nấy.

Theo thống kê của UBND huyện Tư Nghĩa, trên địa bàn huyện có 89 lò gạch thủ công, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã đồng ý xóa bỏ các lò gạch thủ công, vì hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, số lao động đã nghỉ việc ở các lò gạch đến nay vẫn chưa tìm được việc làm mới, nên ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu trong gia đình.


Bài, ảnh: MAI HẠ



 

.