Xây dựng công trình đê, kè ven biển: Nơi chờ vốn, chỗ đợi dân

10:08, 21/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi nhiều điểm sạt lở bờ biển mỏi mòn đợi vốn để được kiên cố hóa, thì một số công trình có tiền vẫn chật vật thực hiện vì... đợi dân, điều chỉnh tuyến!
TIN LIÊN QUAN

Nơi chờ vốn

Toàn tỉnh có 21 điểm sạt lở bờ biển, trong đó có 5 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tốc độ sạt lở trung bình khoảng 5m/năm. Riêng một số điểm như: Thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi); thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn)... có tốc độ sạt lở từ 10-15m/năm.
 
Chính vì vậy, cứ đến mùa mưa bão, người dân ở các khu vực trên lại thấp thỏm, âu lo. “Biển ngày càng tiến sát vào nhà dân, thậm chí còn đánh sập nhiều ngôi nhà và gây hư hỏng đường sá. Chúng tôi mong nhà nước sớm có biện pháp ứng phó, giúp dân an cư lạc nghiệp”, ông Trần Văn Thương, thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê cho biết.
 
Sạt lở bờ biển ở thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) gây hư hỏng đường sá hư hỏng, cuốn trôi nhà cửa.
Sạt lở bờ biển ở thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) gây hư hỏng đường sá hư hỏng, cuốn trôi nhà cửa.
 
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị cũng nơm nớp lo sợ “biển ngoạm đất, sóng dỡ nhà”. “Không có cây, không có kè chắn sóng, nên mùa nắng thì cát bay, mùa mưa thì sóng biển “nhảy” bờ, hất tung nhà. Bà con chúng tôi sống ở đây cứ phập phồng lo sợ”, ông Nguyễn Ba, ở thôn Lệ Thủy cho biết. Chính vì vậy, chính quyền và người dân thôn Lệ Thủy thường xuyên kiến nghị nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, để vừa đảm bảo an toàn, vừa “đánh thức” tiềm năng du lịch biển.

Chia sẻ lo lắng với người dân, nhiều năm qua, UBND tỉnh cũng tích cực kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét, bố trí vốn đầu tư kiên cố hóa các điểm sạt lở. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý phê duyệt 24 dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung. Theo đó, Quảng Ngãi có 3 dự án, với tổng kinh phí đầu tư 147 tỷ đồng, gồm: Kè chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, KDC thôn Khê Tân; kè chống sạt lở bờ biển thôn Lệ Thủy và Dự án chống bồi lấp cửa Đại, sông Trà Khúc.  

Chỗ đợi dân

Dù đã được UBND tỉnh phê duyệt và trung ương bố trí vốn từ cuối năm 2018, nhưng đến thời điểm này, Dự án Đê biển Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), có tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng, lại rơi vào tình cảnh thi công cầm chừng, nên tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch. “Trong khi người dân ở thôn Thạnh Đức đồng tình ủng hộ, thì người dân ở các thôn Thạch Bi 1, Thạch Bi 2, Long Thạnh 1 và Tân Diêm lại chưa đồng thuận, vì lo dự án sẽ gây ra tình trạng “bên lở, bên bồi”, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Phùng Đình Hải lý giải.
 
Mặc dù Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, thông tin về dự án và cam kết thực hiện dự án theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt; cũng như yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, nhưng người dân vẫn "chưa thông".
 
Dù đã được bố trí vốn, nhưng tiến độ thực hiện Dự án Đê biển Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn chậm, vì người dân chưa đồng thuận.
Dù đã được bố trí vốn, nhưng tiến độ thực hiện Dự án Đê biển Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn chậm, vì người dân chưa đồng thuận.
 
Trong khi đó, tiến độ thi công Dự án Đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước (Bình Sơn) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng cũng chậm so với kế hoạch. “Vì phải điều chỉnh tuyến đập, nên cần thời gian thực hiện các thủ tục liên quan”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Từ Văn Tám cho hay. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017, thời gian thực hiện 2018 - 2020, nhưng đến thời điểm này, dự án mới đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu.

Tiến độ thi công chậm sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn mặn cho 1.400ha đất canh tác, giữ ngọt và tạo nguồn cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho KKT Dung Quất và 35 nghìn dân, nên hiện giờ, chủ đầu tư cũng chỉ biết phối hợp các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương tháo gỡ những vướng mắc; cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chia sẻ và hợp tác.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.