Nghĩa Hành đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới:
Thành tựu của sự đoàn kết và đồng thuận

10:08, 24/08/2019
.
 Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình.
(Báo Quảng Ngãi)- Hòa trong không khí phấn khởi của cả nước chào mừng 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Hành long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2011-2018. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông Phan Bình, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2019 trên địa bàn huyện đạt gần 1.500 tỷ đồng, để đầu tư phát triển hạ tầng và sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,2 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 3,43%; 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 100% xã, thị trấn có hệ thống thu gom và xử lý rác thải; tỷ lệ đào tạo nghề đạt trên 45% lao động có việc làm; trên 90% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; an ninh, trật tự xã hội cơ bản được giữ vững...
 
PV: Xin ông cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện gặp phải khó khăn, thách thức gì?

Ông Phan Bình: Năm 2011, khi triển khai thực hiện chương trình NTM, huyện chỉ đạt 5/19 tiêu chí; hộ nghèo còn trên 18%; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thu nhập của người dân còn thấp... đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền và nhân dân. Trước tình hình trên, được sự quan tâm động viên, hỗ trợ của trung ương và tỉnh, Huyện ủy đã chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết số 01 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM; UBND huyện ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Nghĩa Hành chung sức xây dựng NTM” ở tất cả các ngành, địa phương, đơn vị...
Trung tâm thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành).  Ảnh: TL
Trung tâm thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ảnh: TL
Cùng với việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình NTM trong nhân dân; đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đã tập trung quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân đồng thuận và ủng hộ cao.

PV: Qua 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

Ông Phan Bình: Sau 8 năm, kinh tế của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết chuỗi nâng cao giá trị gia tăng; hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc; môi trường sinh thái được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... Xác định thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân là thước đo kết quả xây dựng NTM, nên UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương gắn xây dựng NTM với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường hướng dẫn người dân ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất... thông qua việc hỗ trợ đầu tư hàng trăm mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, với kinh phí gần 20 tỷ đồng; dồn điền đổi thửa, chỉnh trang gần 200ha đất sản xuất nông nghiệp và xây dựng 170ha cánh đồng mẫu lớn, để hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, huyện cũng tăng cường đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng hàng hóa, với diện tích 300ha, bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, nhiều nhà vườn đạt thu nhập từ 300 - 800 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, thành công nổi bật nhất mà NTM mang lại là sự thay đổi về nhận thức và trách nhiệm của người dân, qua việc tích cực tham gia và tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn ngày công, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ và hiến hàng nghìn mét vuông đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương nội đồng... góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình NTM trên toàn huyện. Được công nhận huyện NTM chính là thành tựu kết tinh của sự đoàn kết, đồng thuận và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên tham quan vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao của người dân Nghĩa Hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên tham quan vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao của người dân Nghĩa Hành.

PV: Vậy mục tiêu “hậu NTM” sẽ là gì, thưa ông?

Ông Phan Bình: Xác định xây dựng NTM là chương trình có khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc và danh hiệu “Huyện NTM” chỉ là bước khởi đầu cho suốt chặng đường xây dựng NTM. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đặc biệt, là sẽ hoàn thiện 100% hệ thống đường giao thông thôn, xóm; giữ vững 100% các thôn, xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi, hồ chứa bị hư hỏng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu theo phong trào xã NTM “4 có”, đó là: Có một sản phẩm hàng hóa, có một khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, có cổng chào điện tử và có một tuyến đường kiểu mẫu. Phát động phong trào KDC “3 có”: Có vườn xanh, có nhà sạch, có ngõ đẹp. Ngoài ra, huyện cũng phấn đấu hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đồng thời xây dựng và hoàn thành 11 KDC kiểu mẫu tại 11 xã NTM.

PV: Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện có những giải pháp nào?

Ông Phan Bình: Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 17 về việc hoàn thành và nâng cao chất lượng huyện NTM. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghĩa Hành chung sức xây dựng nông thôn mới” trên phạm vi toàn huyện; tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển. Thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”, cũng như tăng cường liên kết với doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung giải quyết vấn đề môi trường, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự...

Bên cạnh đó, huyện sẽ lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án được triển khai trên địa bàn; tiếp tục bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư thực hiện Chương trình NTM; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia thực hiện những công trình, dự án, để nâng cao vai trò và trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM...

Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực đầu tư cho chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 815 tỷ đồng), huyện sẽ phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cũng như tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hướng đến “Nông thôn mới kiểu mẫu”

Đến năm 2020, huyện Nghĩa Hành phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,2%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%; thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm; diện tích trồng cây ăn quả đạt 500ha và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; có 11 KDC kiểu mẫu tại 11 xã NTM. Đến năm 2025, 11/11 xã sẽ hoàn thành và đạt xã NTM nâng cao; 78/78 thôn của 11 xã đạt KDC kiểu mẫu, tiến tới hoàn thành mục tiêu “Nông thôn mới kiểu mẫu” trên toàn huyện.

 
          MỸ HOA
(thực hiện)









 

.