Khó khăn bủa vây ngư dân

10:08, 01/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa bao giờ, ngư dân lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Từ giá nhiên liệu tăng, “khát” lao động, sản lượng và giá bán hải sản sụt giảm, đến việc tàu nước ngoài cản trở, xua đuổi và tịch thu, phá hỏng ngư lưới cụ trong quá trình hoạt động khai thác hải sản...

TIN LIÊN QUAN

Vừa xuất bến, vừa “đợi bạn”

Tàu đã nổ máy và chuẩn bị xuất bến, nhưng chủ tàu Đặng Tằm, xã Bình Châu (Bình Sơn) và người nhà vẫn phải chạy tới chạy lui, kiểm đếm và trông chừng thuyền viên. “Theo sát như thế mà có lúc, bạn vẫn nhảy tàu ngay lúc nhổ neo”, ông Tằm cho biết. Để tìm và giữ chân được 10 lao động đi biển, vợ chồng ông Tằm phải “chăm sóc” rất kỹ. Từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến việc trả trước 100% lương tháng. Thế nhưng, đến giờ xuất bến, bạn vẫn không đến hoặc đến trễ.

Thậm chí, đã từng xảy ra trường hợp bạn vẫn niềm nở lên tàu, nhưng đợi đến khi tàu vừa rời cảng khoảng 500m là bạn nhảy xuống biển, để trốn việc hoặc qua tàu khác. Chính vì vậy, trước khi vươn khơi, ông Tằm và người nhà phải quản lý bạn rất kỹ, theo sát họ cho đến khi tàu rời cảng hơn 1 hải lý mới yên tâm.

Đến giờ xuất bến, nhưng tàu ông Tằm chỉ biết nổ máy, để... đợi bạn!
Đến giờ xuất bến, nhưng tàu ông Tằm chỉ biết nổ máy, để... đợi bạn!

 

Không chỉ tàu đánh bắt của ông Tằm mới rơi vào cảnh thiếu lao động, mà tàu hậu cần nghề cá cũng chung số phận. “Lương tháng 10 triệu đồng, chưa kể một số khoản phụ cấp và thưởng, nhưng lao động vẫn chê”, chủ tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương kiêm dịch vụ hậu cần nghề cá Dương Văn Rin, xã Bình Châu cho biết.

Dù có thâm niên làm hậu cần nghề cá gần 20 năm, nhưng những năm gần đây, tàu anh Rin cũng khốn đốn vì thiếu lao động đi bạn. Chính vì thế, chủ tàu thường đáp ứng hầu hết các yêu cầu của lao động. Thế nhưng, bạn tàu vẫn thường xuyên làm khó chủ tàu kiểu “vui làm, buồn nghỉ”.

Thực tế, lao động đi biển thường không có ràng buộc và trách nhiệm gì với chủ tàu. Vì vậy, nếu tàu đánh bắt hiệu quả, thu nhập khá thì bạn gắn bó, ngược lại thì “nhảy tàu”, khiến chủ tàu thường xuyên rơi vào cảnh bấp bênh, thậm chí tàu phải nằm bờ vì thiếu bạn.

Đầu nậu o ép

Sáng 26.7, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Đức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cập cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn), để xuất bán 5 tấn cá nục. Với giá 12 nghìn đồng/kg nục gai, 14 nghìn đồng/kg nục suôn, sau khi trừ chi phí, ông Đức cũng thu được gần 30 triệu đồng lợi nhuận. “Tôi thật sự may mắn vì gặp được nậu có tâm”, ông Đức cho hay. Không chỉ đầu tư vốn đóng tàu, ứng trước chi phí mỗi chuyến biển, mà nậu của của ông Đức cũng rất uy tín, không có chuyện làm khó hoặc ép giá trong quá trình thu mua sản phẩm.

 Nhiều tàu công suất lớn nằm bờ vì hoạt động khai thác hải sản quá khó khăn.
Nhiều tàu công suất lớn nằm bờ vì hoạt động khai thác hải sản quá khó khăn.

Tuy nhiên, không có nhiều ngư dân gặp may như ông Đức, do nhiều đầu nậu thường ép giá, hoặc chậm trả tiền cho ngư dân. Đơn cử như ngư dân V.N.T, xã Tịnh Kỳ, hợp tác với một nậu ở xã Bình Châu. Không chỉ thua thiệt vì nậu thu mua thấp hơn 3- 4 giá so với thị trường, mà ông T còn bị nậu chậm trả tiền bán sản phẩm từ 10 - 15 ngày, thậm chí một tháng.

“Tôi còn phải lo phí tổn của mỗi chuyến biển, ứng trước tiền lương cho bạn tàu, nhưng cách vài phiên biển là nậu lại “giam” tiền, nên mình phải chạy đôn chạy đáo để vay mượn”, ông T bộc bạch. Biết vậy, nhưng hầu hết các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ vẫn chấp nhận, chẳng ai tính chuyện hợp tác với các doanh nghiệp (DN) chuyên thu mua thủy sản trên địa bàn. “Nếu nậu biết mình có ý làm ăn với DN, họ sẽ tìm cách cản trở, thậm chí móc nối “đánh hội đồng” đến mức không bán được sản phẩm”, ông T. lý giải.

Thực tế, việc tiêu thụ hải sản thông qua trung gian là các đầu nậu không chỉ khiến ngư dân thua thiệt, mà DN thu mua và chế biến hải sản cũng gặp khó. Vì đầu nậu kiểm soát cả sản lượng lẫn giá bán nguyên liệu, nên DN phải chấp nhận mua lại nguyên liệu từ nậu với giá khá cao.

Thực trạng trên, xuất phát từ việc ngư dân mượn hoặc vay tiền nậu để chi phí cho những chuyến biển, nên phải cam kết bán sản phẩm theo giá mà nậu đưa ra, để... trừ nợ! Biết làm vậy là thua thiệt, vì giá thu mua sản phẩm của nậu thấp hơn thị trường, nhưng các chủ tàu chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chứ không thể chuyển hướng hợp tác, vì sợ o ép.  

Bài, ảnh: MỸ HOA

 
                                                                                                                                  

.