Dấu ấn tín dụng chính sách trong giảm nghèo

02:08, 25/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế ở nhiều địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Hỗ trợ "cần câu cơm"

“Gia đình tôi ngày trước chỉ biết bám lấy rừng, kinh tế rất khó khăn. Nhờ được Ngân hàng CSXH cho vay vốn chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, vay vốn hộ nghèo, từ đó có điều kiện đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Giờ thì gia đình tôi đã thoát nghèo”, anh Phạm Văn Mật, ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh (Ba Tơ) cho biết.

Trước đây, nhiều năm liên tiếp gia đình anh Mật cứ mãi quẩn quanh với cái nghèo. Từ khi được Ngân hàng CSXH huyện Ba Tơ tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng, anh Mật đầu tư phát triển vườn rừng. Đến nay, gia đình anh có trên 5ha keo lai cùng 2 con trâu, trong nhà đã có của ăn của để.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ có vốn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ có vốn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Cao Văn Hải cho biết: Cả hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nhu cầu vay vốn của người dân để phát triển sản xuất được Ngân hàng CSXH đáp ứng kịp thời, tạo cơ hội để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, Quảng Ngãi có gần 100.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số tiền hơn 3.300 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có gần 55.000 hộ thoát nghèo; 9.409 lao động được tạo việc làm và đi xuất khẩu lao động... Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn giúp người dân xây mới, cải tạo 41.598 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 1.343 căn nhà cho hộ nghèo; 12.451 hộ vay vốn để sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi Trần Duy Cường, để đẩy mạnh tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng khác, các địa phương đã cơ cấu chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện, xã. Từ đó, không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mà còn giúp Ngân hàng CSXH có giải pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Hơn nữa, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng CSXH, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm - vay vốn.

Tạo được niềm tin  

Hiện nay, việc thực hiện giao dịch tại 184/184 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã, 2.790 tổ tiết kiệm - vay vốn hoạt động tại thôn, tổ dân phố đã góp phần công khai được các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của Ngân hàng CSXH. Người vay giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH vào ngày cố định hằng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm-vay vốn và chính quyền địa phương.

“Việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, đã tạo được lòng tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của Ngân hàng CSXH. Qua đó, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong công tác giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân”, Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Cao Văn Hải nhấn mạnh.

Bài, ảnh: VŨ YẾN

.