Chật vật duy trì và mở rộng diện tích rừng trồng

10:08, 20/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quỹ đất ngày càng thu hẹp và thiếu nguồn cây giống chất lượng, là những nguyên nhân khiến việc duy trì và mở rộng diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Quỹ đất thu hẹp

Thực hiện kế hoạch trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, năm 2019, trên địa bàn tỉnh sẽ trồng khoảng 70ha rừng phòng hộ. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã trồng 120ha rừng phòng hộ.

Ngoài ra, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, trên cơ sở xác lập vùng trồng cây gỗ lớn trong Quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ, được giao khoán cho các hộ dân theo Quyết định số 2480/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh thì sẽ kết hợp trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn và rừng tự nhiên để phát triển 1.000ha rừng dược liệu tại 6 huyện, gồm: Mộ Đức, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây.

Người dân miền núi Quảng Ngãi tham gia trồng rừng.         Ảnh: NGỌC ĐỨC
Người dân miền núi Quảng Ngãi tham gia trồng rừng. Ảnh: NGỌC ĐỨC

Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng tập trung ở các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp khó khăn. “Diện tích rừng trồng tập trung trên hồ sơ thiết kế thực tế chồng lấn với diện tích người dân đã và đang xâm lấn trồng. Hơn nữa, dù hồ sơ thủ tục quy hoạch rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý, nhưng người dân địa phương đã canh tác cây trồng lâu năm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điếc lý giải. Riêng diện tích trồng rừng ven biển thì bị người dân xâm lấn nuôi trồng thủy sản, hoặc các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng “xí phần”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đại, bên cạnh giá trị đất rừng tăng cao, việc chậm giao dự toán, phân bổ kinh phí, nên các đơn vị không có kinh phí để tiến hành các thủ tục liên quan, nhất là việc khảo sát và lập hồ sơ thiết kế để trồng rừng.

Thả nổi các vườn ươm

Vào mùa trồng rừng, nhu cầu cây giống là rất lớn, khoảng gần 150 triệu cây. Tuy nhiên, công tác quản lý và kiểm soát chất lượng cây giống trên địa bàn tỉnh hiện còn lỏng lẻo. Trừ vườn ươm của một số đơn vị như: Trung tâm Giống tỉnh, Công ty TNHH KH&CN Nông Tín... đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật và sản xuất cây giống keo nuôi cấy mô, thì nhiều vườn ươm tự phát của người dân chưa đảm bảo chất lượng, từ kỹ thuật nhân ươm đến nguồn cây giống bố mẹ, kiểm soát các loại sâu bệnh...

Xác định chất lượng cây giống quyết định đến năng suất và hiệu quả của việc trồng rừng, nên loại keo nuôi cấy mô ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, số lượng cây giống keo nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh hạn chế, nên nhiều doanh nghiệp và chủ rừng phải đặt hàng cây giống keo nuôi cấy mô ở các tỉnh khác, chủ yếu là Bình Định.

Bước vào mùa trồng rừng 2019, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân theo những mô hình phù hợp, đặc biệt đầu tư phát triển cơ sở sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; từng bước chuyển đổi từ việc trồng rừng gỗ nhỏ (nguyên liệu giấy, băm dăm) sang trồng rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC.

Hàng trăm nghìn héc ta rừng bị xâm lấn

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có gần 319 nghìn hécta rừng bị người dân xâm canh trái phép, để trồng cây và nuôi trồng thủy sản. Tại Quảng Ngãi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện có 113ha rừng do người dân tự nguyện bàn giao lại, nên Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện trồng rừng tập trung, để tránh việc tái lấn chiếm.

 
BÙI DUYÊN




 

.