Ứng dụng khoa học trong khai thác hải sản: Ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư

02:07, 10/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế, nhưng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong khai thác và bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ vẫn chưa được ngư dân trong tỉnh quan tâm đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả có...

“Từ khi lắp đặt rađa hàng hải, tôi dễ dàng theo dõi và quan sát địa hình xung quanh, không cần phải mở cửa “trông” trời mỗi khi thời tiết thay đổi như trước”, ngư dân Trần Biên, xã An Hải (Lý Sơn) cho biết. Năm 2016, ông Biên là một trong 3 ngư dân ở huyện Lý Sơn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện mô hình lắp đặt rađa hàng hải trên tàu khai thác xa bờ. Từ khi có thêm thiết bị này, việc khai thác của ông Biên thuận lợi, an toàn hơn và hiệu quả tăng 30 - 40% so với trước.

Ngư dân tham quan và tìm hiểu một số thiết bị phục vụ công tác khai thác, bảo quản hải sản trong khai thác xa bờ.
Ngư dân tham quan và tìm hiểu một số thiết bị phục vụ công tác khai thác, bảo quản hải sản trong khai thác xa bờ.

Trong khi đó, ứng dụng công nghệ Polyurethane (PU) bọc i-nox trong bảo quản hải sản được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp ngư dân nâng cao chất lượng hải sản. “Công nghệ này giúp tôi tiết kiệm 15% chi phí đá lạnh, trong khi giá trị sản phẩm tăng 25 - 30%”, ngư dân Nguyễn Văn Hiền, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết. Nhờ công nghệ PU bọc i-nox, nên hầm bảo quản hải sản “giữ” đá lâu hơn, chất lượng hải sản vì thế cũng được đảm bảo hơn. Điều này không chỉ giúp ngư dân đỡ tốn chi phí đá lạnh, mà còn giúp tàu bám biển lâu hơn, tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu ra vào.

“Bên cạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân, Tổng cục Thủy sản sẽ định hướng nghiên cứu và ứng dụng KHKT trong khai thác, bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình nguồn lợi và phát triển nghề cá của từng địa phương”.

Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản,
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)
PHẠM NGỌC TUẤN

Nhưng khó nhân rộng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hầu hết tàu khai thác hải sản bảo quản sản phẩm đánh bắt bằng nước đá lạnh, ở nhiệt độ dao động từ 0-50C, thời gian bảo quản cho phép không quá 10 ngày. Trong khi đó, chất lượng và vệ sinh đá lạnh phục vụ thủy sản chưa đảm bảo, cộng với thời gian bám biển của tàu khai thác xa bờ thường kéo dài từ 15 - 20 ngày, thậm chí 45 - 60 ngày, nên sản phẩm bị lưu giữ trên tàu lâu, gây tổn thất 20 - 30% giá trị.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ lãi suất vay đầu tư các trang thiết bị và đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản; hoặc Nghị quyết 48 về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng nông sản, thủy sản, nhằm giảm mức độ tổn thất (cả số lượng và chất lượng) từ trên 20% xuống còn dưới 10% vào năm 2020.

Tuy nhiên, ngư dân chưa tiếp cận được vốn vay, trong khi chi phí lắp đặt thiết bị lớn, khiến họ e ngại. “Rađa hàng hải rất hữu ích với ngư dân đánh bắt xa bờ, nhưng giá bán quá cao. Như loại rađa 72 hải lý có giá từ 100-140 triệu đồng/bộ (tùy hãng), nhưng chưa biết hiệu quả thế nào, nên tôi phải cân nhắc”, ngư dân Bùi Duy Thảo, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết. Trong khi đó, chi phí để lắp đặt hầm bảo quản ứng dụng công nghệ PU bọc i-nox cũng gần 100 triệu đồng, nên hiện nay chưa có nhiều ngư dân đầu tư. 

Bên cạnh đó, việc chuyển giao KHKT và các tiến bộ kỹ thuật cho ngư dân còn chậm. Đơn cử như sử dụng đèn led cho tàu lưới vây kết hợp ánh sáng đã được ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận... ứng dụng khá nhiều, nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn chưa biết, nên còn sử dụng máy phát điện và đèn cao áp. Chính vì vậy, cùng với việc thực thi hiệu quả các  chính sách hỗ trợ, các ngành chức năng cũng cần chuyển giao kịp thời các tiến bộ KHKT, cũng như công bố danh mục và chủng loại các thiết bị đảm bảo chất lượng, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư lắp đặt.

Bài, ảnh: MỸ HOA


.