Siết chặt truy xuất nguồn gốc thủy sản: Ngư dân cần hướng đi mới

10:07, 03/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ các nước Châu Âu, mà Trung Quốc - thị trường nhập khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam, cũng đã thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản; chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Điều này đòi hỏi ngư dân trong tỉnh phải có cách làm mới, đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

TIN LIÊN QUAN

Sản phẩm tồn đọng, giá bán giảm

Ngư dân Nguyễn Lượng, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết: Từ giữa tháng 6 đến nay, mực xà tươi và khô đều tiêu thụ chậm. Thậm chí một số  thương lái không thu mua sản phẩm, nên lượng mực xà khô tồn đọng khá nhiều. Không những thế, giá bán cũng giảm từ 150 nghìn đồng/kg, xuống còn 75 - 80 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, tàu của ngư dân cập cảng Sa Kỳ từ ngày 25.6, nhưng mãi đến ngày 30.6, thương lái mới đồng ý thu mua sản phẩm. “Hơn 35 ngày bám biển, khai thác được 30 tấn mực khô, anh em rất vui, dự tính với giá 150 nghìn đồng/kg, sẽ thu được 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá giảm 50%, chủ tàu lỗ tổn, còn thu nhập của bạn tàu cũng không được như mong đợi”, ngư dân Huỳnh Minh Dũng, xã Bình Chánh cho biết.

Mực xà khô khó tiêu thụ do thiếu giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mực xà khô khó tiêu thụ do thiếu giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tình trạng sản phẩm mực xà tươi và khô bị tồn đọng, cộng với giá bán thấp, trong khi chi phí nhiên liệu và lao động tăng, khiến hàng trăm ngư dân hành nghề câu mực, lưới chụp đang lao đao và rơi vào cảnh “vươn khơi không được, neo bờ cũng chẳng xong”.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Trần Quang Tâm, toàn xã có 69 tàu hành nghề câu mực, mang lại thu nhập cao cho ngư dân, cũng như giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Thế nhưng, hiện giờ, toàn xã còn tồn hơn 200 tấn mực xà khô, nên tàu neo bờ, ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân và lao động tại địa phương.

Thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản

Theo phản ánh của nhiều thương lái và doanh nghiệp thu mua mực xà trên địa bàn tỉnh, từ giữa tháng 6 đến nay, lực lượng hải quan Trung Quốc không cấp phép nhập khẩu mực xà từ Việt Nam vào Trung Quốc, vì không có giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm! “Trước đây, chúng tôi chỉ việc thu gom mực xà đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cho đối tác Trung Quốc, chứ đâu biết mấy loại giấy này đâu. Giờ họ hỏi, tôi cũng chẳng biết đâu mà tìm”, bà Trần Thị Loan, thương lái thu gom mực xà ở xã Bình Chánh cho biết.

Lâu nay, hầu hết sản lượng mực xà tươi và khô của ngư dân trong tỉnh được thương lái thu gom và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nên ít bị ràng buộc bởi quy định của ngành chức năng hai nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phía Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, trong đó có mặt hàng thủy sản.

 Điều này có nghĩa, sản phẩm muốn được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc phải có xác nhận truy xuất nguồn gốc và dán tem rõ ràng. Quy định trên khiến thương lái thu mua sản phẩm mực xà bế tắc, vì lâu nay họ chỉ thực hiện một số thủ tục cần thiết để được thông quan. Điều này cũng khiến ngư dân hành nghề câu mực và lưới chụp chủ quan, chỉ cập cảng Sa Kỳ và một số bến cá tự phát, chứ không cập vào 1 trong 4 cảng cá được chỉ định đủ điều kiện thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản là: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Sa Huỳnh, Mỹ Á (Đức Phổ).

Trước tình trạng này, ngư dân, thương lái và doanh nghiệp thu mua hải sản nói chung, mực xà khô nói riêng mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ thực hiện thủ tục truy xuất nguồn gốc hải sản, để thuận lợi trong việc xuất khẩu. “Bốn cảng cá chỉ định phải đảm bảo an toàn cho tàu câu mực cập cảng, bởi ngư cụ và thiết bị của tàu câu mực cồng kềnh, trong khi luồng lạch tại các cảng chỉ định không đảm bảo, gây khó khăn cho tàu mỗi khi ra vào”, ông Tâm đề xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.