Phát triển thủy điện, điện mặt trời: Nhiều vấn đề đặt ra

02:07, 23/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, Quảng Ngãi thu hút nhiều dự án (DA) thủy điện, điện mặt trời. Qua đó, tạo thêm nguồn năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Song, việc phát triển ồ ạt các DA này cũng đặt ra không ít lo ngại đối với đời sống dân sinh và vận hành công trình.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều thủy điện bị thiếu nước

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 DA thủy điện, với tổng công suất lắp máy 522,7MW.  Trong đó, có 8 DA đã vận hành phát điện, với tổng công suất 203,4MW, gồm: Thủy điện Cà Đú, Sông Riềng, Hà Nang, Nước Trong, Huy Măng, Đăkđrinh, Sơn Trà 1 và Đăkre; 4 DA đang triển khai thi công, với tổng công suất 39,7MW, gồm: Thủy điện Sơn Tây, Sơn Trà 1C, Ka Tinh, Núi Ngang; 7 DA đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, đang lập hồ sơ thiết kế; 8 DA đang lập hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó có không ít DA đã hết thời gian quy định, nhưng chưa triển khai thi công.
 
Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên.
Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên.
 
Trong 8 DA đi vào vận hành, hầu hết phát điện chỉ đạt ở mức dưới 50% công suất. Thậm chí, có thủy điện nhiều tháng nay đã dừng phát điện để đảm bảo vận hành liên hồ, đảm bảo nước cho vùng hạ du, như thủy điện Đăkđrinh. Thủy điện Sơn Trà 1 hiện tại chỉ chạy khoảng 2 tiếng/ngày.

Do không có nước để phát điện, nên thủy điện này đã xả hồ để kiểm tra kỹ thuật lại toàn bộ đường ống và các hạng mục cần thiết khác. Các thủy điện không hồ chứa như Cà Đú, Sông Riềng, do nguồn nước từ suối, sông cạn kiệt, nên bình quân chỉ phát điện khoảng 10%-20% công suất, trong đó có những ngày không phát điện. Các thủy điện hoạt động theo hình thức "nước bậc thang", khi các thủy điện thượng nguồn không thả nước về, thì hoạt động phát điện bị ngưng trệ.

Điện mặt trời gia tăng, truyền tải điện quá tải

Hiện tại, Quảng Ngãi đã có 2 nhà máy điện mặt trời chính thức vận hành gồm: Nhà máy điện mặt trời Đức Minh, do Thiên Tân Group làm chủ đầu tư, công suất 19,2MWp, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng và Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên có công suất 49,608MWp, tổng vốn đầu tư 1.138 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích đất hơn 56ha, do Công ty CP năng lượng và công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Tính chung trong cả nước, đến nay đã có 81 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành, khiến hoạt động truyền tải điện rơi vào quá tải, có nhiều nhà máy điện mặt trời đã nhận được văn bản yêu cầu giảm phát điện, vì truyền tải điện quá tải.

Tại Quảng Ngãi, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, hộ dân còn tổ chức triển khai chương trình điện năng lượng mặt trời áp mái. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 40 hộ gia đình lắp đặt điện áp mái. Theo cam kết ban đầu, chỉ số điện phát dư thừa sẽ được phát lên lưới điện quốc gia và ngành điện sẽ mua lại, nhưng hiện nay vẫn chưa chốt được giá mua lại lượng điện dư thừa này. Vì thế, điện vẫn tải lên lưới và chỉ số phát điện được ghi nhận, song người dân phải chờ giải quyết chi trả sau.

Theo kế hoạch, cuối tháng 7.2019, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải điện.
 
Cụ thể: Dự án đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku; đường dây 220kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn và đường dây 220kV Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi. Đây là những dự án truyền tải điện lớn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư, đảm bảo đáp ứng yêu cầu truyền tải điện. Việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công chính là gỡ nút thắt quá tải truyền tải điện hiện đang căng thẳng.

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 

.