Nỗi niềm diêm dân Sa Huỳnh

09:07, 13/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua bao thăng trầm với nghề muối, diêm dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hiểu hơn ai hết về sự nhọc nhằn của nghề này. Nhiều người lam lũ cả đời làm nghề để nuôi con ăn học và vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, vì sự phát triển chung, diêm dân ở đây vẫn sẵn sàng nhường đất cho dự án và chuyển đổi nghề khác.

TIN LIÊN QUAN

Thăng trầm cùng nghề muối


Những ngày tháng 6, chúng tôi về cánh đồng muối của người dân thôn Tân Diêm và Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, đâu đâu cũng thấy những đống muối chất cao. Ông Nguyễn Tấn Hồng (76 tuổi), một diêm dân được xem là “lão làng” của đồng muối Long Thạnh 1 chia sẻ: “Nghề làm muối vất vả, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Người dân nơi đây thường nói với nhau “xém cháy thịt da, mới ra hạt muối”, đủ để hiểu làm muối cực nhọc như thế nào”.

Ông Nguyễn Tấn Hồng, thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã gắn bó với nghề làm muối hơn 30 năm.
Ông Nguyễn Tấn Hồng, thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã gắn bó với nghề làm muối hơn 30 năm.

Ông Hồng là người đã gắn bó với nghề làm muối hơn 30 năm. Ngần ấy tuổi và có kinh nghiệm với nghề, nên ông hiểu hơn ai hết về những thăng trầm của nghề muối. Đối với ông Hồng và nhiều diêm dân khác, cái khó nhất của nghề không phải là lúc tạo ra sản phẩm, mà là khi hạt muối làm ra không ai mua, phải chất đống từ mùa này sang mùa khác. “Nghề này coi vậy chứ may - rủi nhiều lắm. Năm nào  được giá, thì bà con có đồng ra đồng vào. Nhưng cũng có khi muối chất thành đống vì không ai mua”, ông Hồng bày tỏ.

Để tạo ra được hạt muối trắng ngần, diêm dân phải đánh đổi bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt. Họ phải ở ngoài đồng từ sáng đến trưa để “cứu” muối kịp thời nếu thời tiết thay đổi thất thường. “Có những ngày muối ngoài đồng sắp thu hoạch, thì trời đổ mưa. Cả cánh đồng muối không thể cứu vãn được, nên tan lại... thành nước”, bà Võ Thị Bông (66 tuổi), ở thôn Tân Diêm chia sẻ.

“Nghề muối là nghề truyền thống bao đời của dân Sa Huỳnh, giờ không làm nữa ai cũng tiếc. Nhưng vì mục đích chung, người dân sẵn sàng nhường đất, chỉ mong các cấp giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân. Nếu các thôn khác không nằm trong dự án, thì chúng tôi sẽ thuê lại đất để tiếp tục gắn bó với nghề. Coi vậy chứ nghề của cha ông truyền đời, đâu thể nói bỏ là bỏ liền được...”.

Ông LÊ VĂN CẦN, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ)

Nhường đất cho dự án

Vài năm gần đây, sau nhiều vụ muối làm ra bán với giá thấp, diêm dân đồng loạt giảm diện tích hoặc chuyển sang nghề khác. Song cũng còn nhiều người gắn bó với nghề này. Như ông Trần Ngà, thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, dù đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn phơi nắng, dầm sương để làm hơn 5 sào muối. Ông Ngà chia sẻ: “Con cái tôi thấy nghề này cực mà giá cả bấp bênh, nên chọn ngành nghề khác để làm. Nhưng hai vợ chồng tôi vẫn không muốn bỏ nghề truyền thống này. Vì giá muối rẻ, không thể mướn được người làm nên vợ chồng tôi cứ cặm cụi làm mãi. Thôi thì được ngày nào hay ngày đó”.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh, thuộc xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), với diện tích 20ha. Theo đó, sẽ có hơn 50 hộ dân của thôn Tân Diêm sẽ phải nhường đất cho dự án, với khoảng 10ha. Việc triển khai dự án trên được diêm dân nơi đây ủng hộ. Tuy nhiên, để giải quyết những khó khăn trước mắt, diêm dân mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đền bù thỏa đáng để họ có điều kiện chuyển đổi nghề và tìm kế sinh nhai lâu dài.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.