Tái tạo rừng ngập mặn: Người dân hưởng lợi

03:05, 23/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)-Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển huyện Bình Sơn được cải thiện đáng kể. Những gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt cua, ốc... ở rừng ngập mặn để mưu sinh.

TIN LIÊN QUAN

“Con đê xanh” của làng

Sau hơn hai năm dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai thực hiện, người dân ở thôn Phú Long 1, xã Bình Phước (Bình Sơn) hiểu hơn ai hết về lợi ích của rừng ngập mặn. Anh Nguyễn Tấn Hồng, ở thôn Phú Long 1, chia sẻ: “Hồi trước, khi địa phương triển khai trồng rừng ngập mặn, tôi và bà con ở đây còn hoài nghi, nhưng bây giờ, hệ sinh thái trong khu vực đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không chỉ có cá, tôm về đây sinh sống, mà cả dải rừng này cũng đã bảo vệ xóm làng tránh được gió, bão. Mỗi ngày vào rừng ngập mặn, gia đình tôi có thu nhập trên dưới 200 nghìn đồng”.

Người dân tìm kế sinh nhai quanh rừng ngập mặn ở xã Bình Phước (Bình Sơn).
Người dân tìm kế sinh nhai quanh rừng ngập mặn ở xã Bình Phước (Bình Sơn).


Hằng năm, các xã khu vực ven biển huyện Bình Sơn luôn chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa lũ, sản lượng thủy sản giảm... Do đó, việc tái tạo và phát triển rừng ngập mặn chính là xây dựng “con đê xanh” cho các địa phương này. Thực tế nhiều năm qua, người dân sinh sống quanh khu vực cảm nhận rừng ngập mặn giúp điều hoà khí hậu, bảo vệ cảnh quan ven bờ, chống xói mòn, hạn chế gió bão, bảo vệ đê ven biển... Đặc biệt, rừng ngập mặn góp phần làm sạch môi trường, giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái cho những vùng đất bị ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển.

Người dân hưởng lợi

Việc tái tạo rừng ngập mặn ở các xã ven biển được thực hiện trong hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2020, trồng mới hơn 107ha rừng ngập mặn ở các xã ven biển Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn). Trước đó, rừng ngập mặn ở Bình Thuận (giai đoạn 2014 – 2015) đã được nghiệm thu, được Sở TN&MT giao lại cho Trung tâm Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Dung Quất quản lý. Hiện Trung tâm đang khảo sát và lên kế hoạch để người dân tham gia quản lý, đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn này.

Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Thế Nhân chia sẻ: “Bình Phước là địa phương được đầu tư trồng rừng ngập mặn lớn nhất trong giai đoạn 2015 – 2020, với tổng diện tích lên đến gần 40ha. Sau hơn hai năm thực hiện, người dân đã nhận ra hệ sinh thái vùng ven biển sau khi trồng rừng ngập mặn đã thay đổi theo chiều hướng tích cực và họ sẽ hưởng lợi rất nhiều từ dự án này”.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Phí Quang Hiển cho biết: “Mục đích của việc tái tạo rừng ngập mặn chính là chống biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan thiên nhiên cho các địa phương. Điều quan trọng hơn, đó là người dân sẽ hưởng lợi sau khi được bàn giao quản lý rừng. Ngoài việc khai thác các nguồn lợi cá, tôm, họ còn có thể khai thác du lịch từ dự án này”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


.