Phí dịch vụ ngân hàng: Nơi tận thu, chỗ miễn phí

10:05, 26/05/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi các ngân hàng thương mại lớn thay nhau tăng phí dịch vụ theo kiểu tận thu, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung, nhỏ lại miễn nhiều loại phí dịch vụ cho khách hàng.
TIN LIÊN QUAN

Đối nghịch trong cách thu phí

Hiện nay, việc thu phí đối với thẻ ngân hàng và dịch vụ ngân hàng điện tử giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng tầm trung, nhỏ có sự khác biệt đáng kể. Trong đó, đối với dịch vụ thẻ, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank vẫn thu phí rút tiền tại ATM, với mức phổ biến 1.100 đồng/giao dịch. Ngược lại, các ngân hàng như HDBank, VIB, TPBank, VPBank, LienVietPostBank... lại miễn phí rút tiền mặt tại ATM cùng hệ thống. Đối với rút tiền ngoài hệ thống, VIB đang có chính sách miễn phí cho mọi giao dịch, trong khi VPBank chỉ miễn phí khi số dư trong tài khoản của khách hàng còn từ 2 triệu đồng trở lên.
Khách hàng đến giao dịch tại LienVietPostBank Dung Quất.
Khách hàng đến giao dịch tại LienVietPostBank Dung Quất.

Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Dung Quất Lê Thanh Nghị cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh trong việc mở rộng đối tượng sử dụng dịch vụ thẻ, LienVietPostBank đã không thực hiện thu phí dịch vụ đối với khách hàng rút tiền cùng hệ thống. Còn đối với khách hàng rút tiền tại trụ ATM ngân hàng khác, LienVietPostBank chỉ thu phí 1.100 đồng/giao dịch”.

Với dịch vụ ngân hàng điện tử cũng tương tự. Một số ngân hàng như VIB, Techcombank, TPBank, ACB, VPBank đang có ưu đãi lớn khi miễn phí hầu hết các giao dịch chuyển khoản trong hệ thống, một số ngân hàng miễn phí cả các giao dịch ngoài hệ thống.

Trong khi đó, Vietcombank áp dụng mức phí 2.200 - 5.500 đồng đối với một giao dịch chuyển khoản cùng hệ thống (tùy số tiền chuyển); 7.700 đồng/giao dịch với chuyển khoản ngoài hệ thống (với khoản tiền dưới 10 triệu đồng) cho đến 0,02% số tiền chuyển khoản (với khoản tiền từ 10 triệu đồng trở lên, tối thiểu 10.000 đồng, tối đa 1 triệu đồng/giao dịch).

Còn Vietinbank, tuy miễn phí chuyển khoản trong hệ thống, nhưng lại thu mức phí tới 9.000 đồng với một giao dịch chuyển khoản ngoài hệ thống (trên 50 triệu đồng là 0,01% số tiền chuyển khoản). BIDV áp dụng mức phí 1.000 - 9.000 đồng/giao dịch, tùy số tiền chuyển. Đối với chuyển khoản ngoài hệ thống, mức phí áp dụng tại ngân hàng này đang là 7.000 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng và 0,02% số tiền chuyển với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên. Riêng Agribank áp dụng mức phí 2.000 - 7.000 đồng cho các giao dịch chuyển khoản cùng hệ thống; 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu 8.000 đồng với giao dịch ngoài hệ thống.

Cần hài hòa lợi ích

Với chủ trương của Chính phủ về hạn chế không dùng tiền mặt, việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến thẻ ngân hàng, ngân hàng điện tử đang gia tăng mạnh mẽ. Vì vậy, việc các ngân hàng tầm trung, ngân hàng nhỏ tung ra nhiều ưu đãi với dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử được cho là bước đi quan trọng để gia tăng thị phần trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn dường như vẫn không bận tâm. Giải thích cho việc tăng phí, đặc biệt là phí rút tiền của các ngân hàng lớn, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, việc tăng phí là để bù đắp chi phí duy trì hệ thống ATM. Theo đó, chi phí để duy trì hệ thống ATM, đáp ứng nhu cầu chi trả tiền mặt là rất lớn. Nếu tính đầy đủ chi phí, mỗi giao dịch rút tiền, ngân hàng phải tính phí 7.000 - 10.000 đồng/giao dịch.

Song thực tế, dù ngân hàng biện hộ đủ lý do tăng phí dịch vụ, nhưng hàng loạt vụ mất tiền qua thẻ ATM vẫn liên tục xảy ra trong thời gian qua. Và điều đáng nói là chưa có ngân hàng nào khắc phục tình trạng máy ATM hỏng hóc, xuống cấp, khách xếp hàng dài chờ đợi, nhưng vẫn không rút được tiền vào những dịp lễ, Tết...

Theo lãnh đạo HDBank Quảng Ngãi, căn cứ vào chính sách của hệ thống mà mỗi ngân hàng sẽ đưa ra mức phí phù hợp. Tuy nhiên, giá cả phải đi đôi với chất lượng. Một khi chất lượng sản phẩm tăng tương ứng thì chắc chắn cảm giác khó chịu về vấn đề tăng phí sẽ nhanh chóng tan biến, khách hàng sẽ vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm của ngân hàng.

Mặc dù khẳng định phí tăng của các ngân hàng thương mại là đã có lộ trình và không vi phạm quy định của pháp luật, nhưng khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào, các ngân hàng cần minh bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng, để tạo ra sự hài hòa giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ.       


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.