Nông nghiệp chuyển mình

02:05, 04/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông) và 5 năm (2013 - 2018) triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2013 - 2018 tăng bình quân 6,3%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.

Trồng trọt, chăn nuôi khởi sắc

Hơn 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 305 cánh đồng lớn sản xuất lúa, với tổng diện tích gần 5.500ha; chuyển đổi gần 5.200ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Giá trị sau thu hoạch trên 1ha đất canh tác tăng nhanh, từ 16 triệu đồng/ha/năm vào năm 2013 lên 71,6 triệu đồng/ha/năm vào năm 2017. Trên 800ha thực hiện các mô hình luân canh, xen canh có giá trị sau thu hoạch đạt từ 210 - 270 triệu đồng/ha... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cơ cấu lại các loại cây trồng chủ lực; đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (đứng giữa) kiểm tra thực tế dự án trồng măng tây tại huyện Mộ Đức.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (đứng giữa) kiểm tra thực tế dự án trồng măng tây tại huyện Mộ Đức.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đánh giá: “Điều đáng ghi nhận nhất chính là nông dân thay đổi ý thức sản xuất và doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn”. Cụ thể, trong 10 năm (2008 - 2018), toàn tỉnh có 54 dự án do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng.
 
Trong đó, có 12 dự án đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao... Mặc dù lượng doanh nghiệp đầu tư vẫn còn khiêm tốn, nhưng với lĩnh vực “vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, lợi nhuận bấp bênh” như nông nghiệp, con số trên đã là một sự khởi sắc đáng khích lệ.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến, với tổng đàn gia cầm đạt hơn 5,1 triệu con và đàn gia súc trên 800 nghìn con, tỷ lệ bò lai đạt 66,5%. So với năm 2013, tỷ lệ bò lai tăng 19,7%; đàn gia súc tăng trên 14% và đàn gia cầm tăng 19,2%... Bước đầu, ngành đã xác định được hai sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực là bò thịt và trâu thịt.

Lâm nghiệp tăng tốc

Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 51,5%; mỗi năm trồng mới trên 12 nghìn hecta rừng (trong đó có 1 nghìn hecta rừng phòng hộ); khoanh nuôi từ 2 - 3 nghìn hecta và bảo vệ trên 12,5 nghìn hecta... Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, ngành lâm nghiệp tỉnh chú trọng phát triển diện tích và độ che phủ của rừng sang hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững, theo hướng tập trung trồng rừng gỗ lớn. Bởi, ngoài Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đang chuyển trên 2.500ha keo từ 6 - 7 năm tuổi sang rừng gỗ lớn (hơn 10 năm tuổi), thì hiện nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn trong dân chưa nhiều.


"Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn, nhằm tăng giá trị sau thu hoạch cao từ 3 - 4 lần so với rừng trồng sản xuất 5 - 6 năm tuổi, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại cho biết.

Thủy sản vượt khó

Toàn tỉnh hiện có trên 5.638 chiếc tàu cá, tăng gần 500 chiếc so với năm 2013. Tổng công suất máy chính trên 1,7 triệu CV. Tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên là trên 3.500 chiếc, trong đó 1.500 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện thường xuyên hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa. Sản lượng hải sản khai thác năm 2018 đạt trên 234 nghìn tấn, tăng 35% so với năm 2013. Thực hiện theo Nghị định 67, toàn tỉnh có 64 chiếc tàu được đóng mới đưa vào sử dụng. Hiện nay, còn 63 chiếc, gồm 11 tàu vỏ thép, 51 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite đang hoạt động.

Ngoài ra, thực hiện Nghị định 17 về hỗ trợ một lần sau đầu tư, toàn tỉnh hiện có 8 chiếc tàu vỏ composite đang được triển khai đóng mới. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, nguồn lợi hải sản ngày càng sụt giảm, giá bán bấp bênh, nhưng những năm qua, ngư dân trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó, gặt hái khá nhiều thành công.

Không chỉ mạnh dạn đóng mới, nâng cấp công suất tàu cá, mà ngư dân còn chú trọng đầu tư thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình khai thác. Nhờ vậy, ngành khai thác thủy sản đã chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Gần 7 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới


Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 7 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương trên 546 tỷ đồng, vốn địa phương trên 1,1 nghìn tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và cộng đồng người dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai thực hiện hơn 500 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất... Đến nay, toàn tỉnh có 59 xã và 1 huyện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

         

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.