Cấp "Giấy thông hành" cho sản phẩm: Thủ tục cần đơn giản và linh động

02:05, 01/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù sở hữu nhiều loại nông sản có giá trị, nhưng vì thủ tục đăng ký thương hiệu rườm rà, nên có rất ít sản phẩm trong tỉnh có "giấy thông hành" để được tiêu thụ trên thị trường cả nước...

TIN LIÊN QUAN

Trên địa bàn Quảng Ngãi, có một số sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, nên nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) định hướng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, để thuận lợi trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, do thủ tục đăng ký chứng nhận thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm còn rườm rà, thời gian thực hiện kéo dài, nên nhiều DN, HTXNN "rất ngại thực hiện".

Nhiều nông sản của nông dân trong tỉnh bị chậm, hoặc mất cơ hội vươn ra thị trường, do không có thủ tục đăng ký sản phẩm.                             Ảnh minh họa
Nhiều nông sản của nông dân trong tỉnh bị chậm, hoặc mất cơ hội vươn ra thị trường, do không có thủ tục đăng ký sản phẩm. Ảnh minh họa


Theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) là đơn vị cấp quyền đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số DN, HTXNN trên địa bàn tỉnh, quá trình thực hiện hồ sơ thủ tục còn nhiêu khê, thậm chí xảy ra tình trạng “nay thêm giấy này, mai bớt giấy kia”. Vì vậy, thời gian thực hiện và hoàn thiện hồ sơ thủ tục kéo dài, khiến một số DN, HTXNN không mặn mà đăng ký, thậm chí từ bỏ hành trình thực hiện “giấy thông hành” cho sản phẩm.

“Làm hồ sơ thủ tục công nhận thương hiệu cho sản phẩm, tôi mất cả năm, chạy tới chạy lui bổ sung các loại giấy tờ. Nếu không có cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ trực tiếp hướng dẫn, chắc tôi đã bỏ cuộc”, lãnh đạo một HTXNN ở huyện Đức Phổ cho biết.

Với mong muốn nâng tầm thương hiệu cho một loại nông sản địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nên cùng với việc liên kết với DN để phục tráng giống, mở rộng quy mô sản xuất, một HTXNN ở huyện Đức Phổ đã tiến hành đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, sau gần một năm thực hiện các thủ tục, HTXNN này đã tính bỏ cuộc. Nhưng vì không muốn đánh mất "đứa con" của mình, nên lãnh đạo HTX đã trực tiếp liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ để được hướng dẫn, nên chỉ trong vòng một tuần, toàn bộ hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận thương hiệu cho sản phẩm đã hoàn tất.

Bên cạnh đó, việc tìm “giấy thông hành” cho sản phẩm còn gặp khó ngay ở chính quyền cơ sở. Bởi ngoài thủ tục hành chính (TTHC), các DN, HTXNN còn phải xác định, hoặc chuyển đổi vùng quy hoạch, bố trí vùng an toàn dịch bệnh (đối với sản phẩm chăn nuôi), xây dựng các chỉ tiêu yêu cầu vùng dịch theo yêu cầu của các đối tác... nên cần chính quyền cơ sở phối hợp, kịp thời tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, khiến DN, HTXNN phải mất khá nhiều thời gian thực hiện.

Thực hiện cải cách TTHC, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã rà soát và cắt giảm nhiều bộ thủ tục không cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư... Tuy nhiên, quá trình “hiện thực hóa” lại nảy sinh nhiều tồn tại và bất cập, thậm chí có tình trạng cán bộ hướng dẫn cũng chưa nắm vững quy trình thực hiện bộ TTHC, khiến người dân, DN, HTXNN phải chạy lòng vòng.

“Quy trình thực hiện TTHC đúng, nhưng phải chuyên nghiệp, hiệu quả và linh động điều chỉnh trong từng trường hợp cụ thể, không nên máy móc, rập khuôn, gây khó khăn cho tổ chức, người dân. Nếu không thực hiện kịp thời sẽ khiến DN, HTXNN đánh mất cơ hội, vì thời gian thực hiện giấy thông hành sản phẩm quá lâu”, lãnh đạo một DN chế biến thủy sản tại KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết.         

Bài, ảnh: MỸ HOA


.